Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: P.V

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: P.V

Chiều 19/2, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã họp báo công bố tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước trong thời gian vừa qua và công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Tại buổi họp báo, Cục Thú y cho biết, đã phát hiện tại hộ gia đình ông Dương Văn Vũ (ở xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) và hộ gia đình ông Lê Xuân Tình (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) có bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Tại tỉnh Thái Bình, phát hiện một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng với chính quyền các địa phương tiêu hủy toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tại khu vực có bệnh dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch...

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y khuyến cáo, đối với hộ chăn nuôi, gia trại chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng; không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ gia súc, gia cầm bị bệnh; mua con giống phải rõ nguồn gốc...

Khi phát hiện động vật bị bệnh, nghi bệnh, người chăn nuôi không bán, không giết mổ, không vứt xác vật nuôi ra môi trường. 

Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, cần tăng cường chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học và thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

Cục Thú y cho biết thêm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm sau Tết Nguyên đán năm nay rất cao.

Hiện cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa, buộc phải tiêu hủy 8.875 con gia cầm. 

Dịch bệnh lở mồm long móng vẫn tiếp tục xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu ở lợn chưa được tiêm phòng vắc xin tại một số tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị...

Do vậy, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, do dịch tả lợn Châu Phi không lây nhiễm sang người nên người chăn nuôi và người tiêu dùng hết sức bình tĩnh không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt lợn để từ đó việc chống dịch được hiệu quả nhất.

Theo congluan.vn