Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế nông nghiệp năm 2020 đạt 4,12% trở lên, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả thế mạnh của những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.
- Để triển khai những mô hình nông nghiệp hàng hóa tập trung, đầu tiên là phải dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Vậy thời gian qua, Hà Nội đã triển khai việc này như thế nào, thưa ông?
- Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế về tổ chức sản xuất, Hà Nội đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn thành phố đã dồn điền, đổi thửa được 79.454ha (đạt 104,6% so với kế hoạch). Nếu trước đây, mỗi hộ gia đình trung bình có 10-15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô, thửa như ở huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ... đến nay, phần lớn chỉ còn 1-2 ô, thửa. Điều này tạo thuận lợi cho người nông dân trong tổ chức sản xuất, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giảm ngày công lao động, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu...
Cùng với dồn điền đổi thửa, Hà Nội xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khâu đột phá, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau dồn điền, đổi thửa với số lượng 618.000 giấy/622.861 giấy (đạt gần 99,3%).
- Có thể nói, dồn điền, đổi thửa có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành 6 vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn. Vậy, ông có thể cho biết, các vùng này đạt hiệu quả kinh tế như thế nào?
- Đến nay, thành phố đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao với diện tích 15.678ha, cây ăn quả 7.391ha, rau an toàn 2.933ha, chăn nuôi xa khu dân cư 712,7ha, nuôi trồng thủy sản 6.947ha… Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Hà Nội đã hình thành 6 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng 25-30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng sản xuất rau an toàn cho giá trị 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đạt 1-2 tỷ đồng/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.
- Ngoài việc hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao, Hà Nội còn tập trung phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, việc này đang được triển khai như thế nào?
- Để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, Hà Nội đã và đang tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn thành phố có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 29 mô hình so với năm 2019) ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Ứng Hòa... Điển hình như: Mô hình sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao ở xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm),... Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có quy mô nhỏ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế lớn, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
- Hiệu quả đã rõ nhưng trong quá trình triển khai không phải không gặp những vướng mắc, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các vùng tập trung còn nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút những doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân vẫn còn tư tưởng giữ đất, gây khó khăn cho công tác tích tụ đất đai, để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
- Để tháo gỡ khó khăn và tiếp tục phát huy hiệu quả các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, Hà Nội sẽ có những giải pháp gì?
- Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó giai đoạn 2020-2025, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất, từ đó hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, đáp ứng nhu cầu phục vụ chế biến.
Trong thời gian tới, Sở NN& PTNT tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, từ đó xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất; đồng thời tăng cường công tác dự báo thị trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!