Trong một nghiên cứu năm 2015 của Wall Street Journal cho thấy Philippines đứng thứ ba toàn cầu về nguồn thải rác nhựa ra biển với khoảng 2 triệu tấn một năm, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia. Vịnh Manila, địa điểm du lịch nổi tiếng của Philippines từng ngập tràn trong rác thải, tới mức từng đợt sóng rác dạt vào bờ biển. Thế nhưng hiện nay mức độ ô nhiễm tại đây đã có sự biến chuyển rõ rệt.
Một dự án được triển khai bởi Bounties Network đã xử lý 3 tấn rác tại Vịnh Manila trong vòng hai ngày nhờ mạng lưới các ngư dân, những người nhận được một đồng tiền ảo Ethereum cho một khối rác thải thu thập được.
|
Tháng 9/2018, Plastic Bank, một công ty blockchain có trụ sở tại Canada sử dụng công nghệ của IBM, cũng đã triển khai một dự án tương tự tại làng chài Naga ở phía Nam đảo Luzon. Người dân đem các vật liệu nhựa, các vật liệu có thể tái chế được đến một địa điểm cố định để nhận phần thanh toán điện tử từ hệ thống tích điểm đổi thưởng. Ba điểm thu đổi tương tự như vậy cũng sẽ được triển khai ở gần Vịnh Manila trong vòng 6 tháng tới.
Thói quen thu thập, tái chế rác thải được tạo ra bởi các chương trình tiền ảo có thể giúp các cộng đồng dân cư nhận biết lợi ích lâu dài hơn là các đợt hô hào nhặt rác ngắn hạn. Plastic Bank cho biết họ đã kêu gọi các đối tác thương mại như cửa hàng mua sắm hay ngân hàng sử dụng hệ thống tích điểm đổi thưởng thay thế cho thanh toán tiền mặt. Bounties Network cũng đã liên kết với đối tác địa phương, Coins.ph, để giúp người dân chuyển tiền điện tử họ thu được sang đồng tiền của Philippines.
Ngoài ra, chương trình của Bounties Network đã trả mỗi ngư dân 2,5 USD cho mỗi giờ thu hoạch rác, gấp đôi mức lương tối thiểu mỗi ngày của người dân ở đây và tổng số tiền chi trả cho việc thu gom 3 tấn rác thải trong hai ngày là 700 USD. Trong khi đó, nếu sử dụng cách gom rác truyền thống kết quả sẽ ngốn khoảng 10.500 USD ngân sách của chính phủ.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/philippines-tra-tien-dien-tu-de-khuyen-khich-nguoi-dan-don-rac-thai-5459.html