Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngoài 3.000 phóng viên quốc tế thì có gần 550 báo Việt Nam tham gia đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Hùng cho biết, quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho APEC có thời gian dài gần 3 tháng trong khi thượng đỉnh Mỹ - Triều có thời gian chưa đến 10 ngày. Đặc biệt, số lượng phóng viên hãng thông tấn, báo chí lớn hơn nhiều so với sự kiện Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, với tinh thần làm việc 24/24, hiện trung tâm báo chí đã được hoàn thiện đảm bảo điều kiện hoạt động cho ít nhất 4.000 phóng viên. Đảm bảo không bị nghẽn mạng trong quá trình số lượng đông đảo phóng viên tác nghiệp và đưa tin.

 Có tới 3.000 phóng viên nước ngoài từ 40 quốc gia đến đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Cao Tuân

Có tới 3.000 phóng viên nước ngoài từ 40 quốc gia đến đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Cao Tuân

Vào sáng 26/2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức đến Việt Nam, tối muộn cùng ngày, ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ cũng đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào hai ngày 27-28/2. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Theo ghi nhận của PV Gia đình & Xã hội, hai ngày nay tại khu vực trung tâm báo chí quốc tế (Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô), rất đông các phóng viên trong và ngoài nước vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Bên cạnh đó, nhiều phóng viên quốc tế họ cũng bày tỏ sự kỳ vọng của mình về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump – Kim Jong-un.

 Phóng viên quốc tế gặp mặt nhau tại Trung tâm báo chí quốc tế sáng 27/2.

Phóng viên quốc tế gặp mặt nhau tại Trung tâm báo chí quốc tế sáng 27/2.

Chia sẻ về điều ấn tượng của mình về sự chuẩn bị của Việt Nam đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, phóng viên Peter Wang – Hãng tin CBC (Đài Loan – Trung Quốc) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam. Tôi cũng đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore. Trong một thời gian rất ngắn, các bạn đã chuẩn bị được mọi thứ cho gần 3.000 phóng viên quốc tế tới đây tác nghiệp”.

Nhận xét về đất nước, con người Việt Nam cũng như an ninh tại đây, phóng viên Peter Wang bày tỏ: “Con người ở đây cũng thật tuyệt. Họ luôn luôn tươi cười và chào hỏi chúng tôi nhiệt tình. Còn các trang thiết bị máy móc ở Trung tâm báo chí quốc tế rất tuyệt vời, đặc biệt là internet. Như các bạn biết đấy, mạng internet là rất quan trọng đối với các nhà báo, đặc biệt là những người làm truyền hình như tôi. Mọi thứ rất thuận tiện, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và ấn tượng”.

 Phóng viên Peter Wang đánh giá công tác chuẩn của Việt Nam bị rất kỹ lưỡng và ấn tượng.

Phóng viên Peter Wang đánh giá công tác chuẩn của Việt Nam bị rất kỹ lưỡng và ấn tượng.

Chia sẻ suy nghĩ về việc Hà Nội được chọn làm nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, Peter Wang cho hay: “Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt với Triều Tiên. Do đó, ông Kim Jong-un sẽ cảm thấy an toàn khi tới đây, ông ấy sẽ không phải lo lắng bất kỳ điều gì. Còn về phía Mỹ, tôi cho rằng ông Trump đang cố gắng tạo sự ảnh hưởng đối với Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một hình mẫu tốt đối với ông Kim Jong-un. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã mở cửa để phát triển kinh tế, trong khi kinh tế Bình Nhưỡng vẫn đôi chút tụt lại phía sau. Việt Nam sẽ là ví dụ để Bình Nhưỡng thấy rằng nếu họ mở cửa kinh tế, họ có thể phát triển như Việt Nam trong tương lai”.

 Không khí làm việc sôi động tại Trung tâm Báo chí.

Không khí làm việc sôi động tại Trung tâm Báo chí.

Chị Marimi Kishimoto, phóng viên tờ Nikkei (Nhật Bản) chia sẻ rằng, công tác chuẩn bị hội nghị của nước chủ nhà Việt Nam rất tuyệt vời.

Nữ phóng viên cho biết tờ Nikkei đã cử tới 17 phóng viên từ văn phòng khắp thế giới như Thái Lan, Mỹ... để đưa tin sự kiện tại Hà Nội. Chị là phóng viên Nikkei thường trú tại Bangkok, Thái Lan.

Về kết quả hội nghị, phóng viên Marimi Kishimoto mong sẽ Mỹ và Triều Tiên sẽ có kết quả tốt đẹp. Cho tới nay, chị chưa gặp vấn đề gì tác nghiệp.

 Phóng viên Kishimoto của tờ Nikkei.

Phóng viên Kishimoto của tờ Nikkei.

Khi được hỏi về các chuyến đi thăm quan miễn phí Hà Nội và các tỉnh lân cận dành cho phóng viên nước ngoài bằng xe buýt, chị Kishimoto tỏ ra thích thú và cho biết sẽ đi thử.

Cũng bày tỏ sự kỳ vọng về kết quả hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim, nữ phóng viên xinh đẹp của đài KBS Jiyoung Seo cho biết: “Tôi vừa tới Hà Nội hôm qua (26/2), tôi thấy môi trường làm việc rất tuyệt, với nhiều trang thiết bị mới, ở một địa điểm thuận tiện, phóng viên cũng được thưởng thức nhiều đồ ăn ngon của Việt Nam. Đây là khu vực trung tâm của Hà Nội nên tôi đánh giá đây là địa điểm lý tưởng để đặt Trung tâm báo chí quốc tế”.

 Nữ phóng viên của đài KBS có nhiều kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

Nữ phóng viên của đài KBS có nhiều kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

Nói về kỳ vọng của mình tại hội nghị thượng đỉnh lần này, phóng viên Jiyoung Seo cho hay mình quan tâm đến việc phi hạt nhân hoá và mối quan hệ giữa Triều Tiên – Mỹ, Triều Tiên – Hàn Quốc.

“Tôi hy vọng rằng hội nghị sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn so với hội nghị lần đầu tại Singapore. Hội nghị tại Singapore là một sự kiện lớn, cả thế giới tập trung vào việc theo dõi hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un. Tất nhiên, cũng có những kết quả nhất định liên quan tới phi hạt nhân hoá sau hội nghị tại Singapore, nhưng lần này những tiến bộ đạt được phải ở mức cao hơn. Triều Tiên phải cam kết về trang thiết bị, hậu cần cần thiết để thực hiện phi hạt nhân hóa.

Đồng thời, tôi muốn quan hệ giữa Triều Tiên – Mỹ và Triều Tiên – Hàn Quốc sẽ được cải thiện. Sẽ có những bước tiến xa hơn để thực hiện những kỳ vọng này. Tôi cho rằng có thể Mỹ sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng”, phóng viên Jiyoung Seo nhấn mạnh.

 

Cao Tuân

Theo Giadinh.net.vn