Câu chuyện của Grab bắt đầu từ năm 2012 với 2 người đồng sáng lập Anthony Tan và Hooi Ling Tan. Cả hai đều là các cựu sinh viên Đại học Harvard. Khi đó, 2 người có mục tiêu tạo ra một cách an toàn hơn để người dùng có thể đặt taxi tại Malaysia.
Tới thời điểm năm 2020, Grab trở thành một decacorn (startup đạt trạng thái từ 10 tỷ USD trở lên) với số lượng nhân sự lên tới 7.000 người xuyên suốt Đông Nam Á. Từ mảng gọi xe cốt lõi, hệ sinh thái kinh doanh của Grab mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như logistics, thanh toán số và dịch vụ tài chính.
Dù ban quản trị Grab liên tục mở rộng qua các năm, có một điều chưa từng thay đổi: Anthony Tan và Hooi Ling Tan vẫn là 2 nhân sự có quyền lực lớn nhất. Bên cạnh đó, một nhân vật cũng có quyền lực không kém là ông Ming Ma, chủ tịch tập đoàn. Ông Ming Maa gia nhập Grab vào thời điểm năm 2016 sau khi tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm tại Goldman Sachs và SoftBank Group.
Quan sát từ sơ đồ tổ chức của Grab cũng cho thấy Grab đang đặt rất nhiều quan tâm cho thị trường lớn nhất của mình, Indonesia. Theo đó, tất cả các giám đốc quốc gia (trừ giám đốc Indonesia) đều báo cáo tới ông Russell Cohen, giám đốc điều hành mảng vận hành của công ty đồng thời là giám đốc mảng di chuyển của Grab.
Bà Neneng Goenadi, giám đốc Grab Indonesia, trực tiếp báo cáo các lãnh đạo cấp cao của công ty. Bà cũng quản lý 3 nhân sự cao cấp khác, tương đương 3 thị trường con thuộc Indonesia là miền tây Indonesia (West Indonesia), miền đông Indonesia (East Indonesia) và Jabodetabek.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng là thị trường duy nhất mà Grab có riêng một chủ tịch. Theo Tech in Asia, đây là điều không quá bất ngờ vì Grab đang dành nhiều sự quan tâm cho Indonesia. Cũng không thể không nhắc đến việc Grab cũng có mối quan hệ tốt với chính phủ nước này.
Grab đang trên đà để chính thức thực hiện IPO vào thời điểm cuối năm nay, theo một báo cáo Nikkei đăng tải hồi tháng 8. Trước đó, kế hoạch ban đầu cho mục tiêu này của Grab là tháng 7.
Grab hiện đang là một trong những startup lớn nhất Đông Nam Á. Hồi tháng 4, Grab công bố kế hoạch thực hiện IPO trên sàn Nasdaq (Mỹ) thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) có tên Altimeter Growth, ở định giá gần 40 tỷ USD.
Theo Nikkei, lý do kế hoạch thực hiện IPO chậm lại là do Uỷ ban Giao dịch và Sàn chứng khoán Mỹ thắt chặt hoạt động liên quan đến các công ty SPAC. Theo đó, các kiểm toán viên sẽ phải xem xét các con số tài chính của Grab trong 3 năm qua.
"Chúng tôi vẫn trên đà để "chốt" lại thương vụ hợp nhất kinh doanh với Altimeter Growth Corp. cho tới thời điểm cuối năm nay", ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, chia sẻ hồi tháng 8.
Các cổ đông chính của Grab có thể kể đến SoftBank Vision Fund, Uber Technologies, Didi Chuxing và Toyota Motor. Sau khi kế hoạch sáp nhập hoàn tất, Grab sẽ có 6 giám đốc ngồi trên ghế hội đồng quản trị, bao gồm CEO Anthony Tan. 4 trong số này sẽ là các giám đốc độc lập. Dara Khosrowshahi, CEO Uber, cũng sẽ ngồi ghế hội đồng quản trị Grab.
Grab kỳ vọng tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) trong năm 2021 sẽ đạt 16,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020 (12,5 tỷ USD).
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/profile-cua-dan-lanh-dao-dung-sau-lam-nen-ten-tuoi-grab-20201231000004930.html