Ngày 30/3, Tổ công tác 368 phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT, Đội QLTT số 1 và số 14 (Cục QLTT Hà Nội) đã thu giữ hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livetreams bán hàng tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Qua điều tra của lực lượng chức năng, một trong những phương được cơ sở này sử dụng đó là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS cả chục facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức, trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát Giao Hàng Nhanh.

Ngày 29/3, Đội QLTT số 16 (Cục QLTT Hà Nội) đã tóm gọn kho hàng chứa khoảng hơn 3.000 sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Hermes… tại đường Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội. Ngày 26/3, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp lực lượng chức năng thu giữ hơn 2.000 sản phẩm pin dự phòng giả mạo nhãn hiệu Samsung tại số 43BT4 Khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngày 25/3, hàng ngàn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Nike, Burberry… được chứa trữ trong căn nhà 3 tầng thuê tại địa chỉ số 02, DV04 Tây Nam Linh Đàm, phố Bằng Liệt, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đã bị Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và thu giữ. Đáng chú ý, ngày 17/3, lực lượng QLTT đã triệt phá 1 kho hàng giả thương hiệu Hermès với số lượng lớn tại xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lực lượng này phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới di chuyển hết số hàng vi phạm, ước tính 20.000 – 30.000 sản phẩm nhái thương hiệu Hermès đã bị thu giữ tại đây.

Lực lượng QLTT vừa phát hiện một kho hàng ở Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội chứa hàng nghìn sản phẩm giày dép giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam
Lực lượng QLTT vừa phát hiện một kho hàng ở Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội chứa hàng nghìn sản phẩm giày dép giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.
(Ảnh: Báo Công Thương)

Liên tiếp những ngày gần đây, lực lượng QLTT triệt phá hàng loạt cơ sở sản xuất, kho hàng giả mạo nhãn hiệu “khủng”. Những con số này cho thấy tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)... ở mức đáng báo động.

Thực tế. hàng giả, hàng nhái là một vấn nạn đã xuất hiện từ rất lâu; có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, xâm phạm nhãn hiệu như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton… tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ.

Trước thực trạng trên, Tổng Cục QLTT đặt ra kế hoạch, phấn đấu năm 2021, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố lớn như TP Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… và các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Shopee.. và các trang thương mại điện tử bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT và không tái phạm…

Đến năm 2022, 100% cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm trên trong năm 2021 đã bị xử lý theo yêu cầu của chủ thể quyền không tái phạm. 100% các cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT và không tái phạm. 60% các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công Thương (ngoài Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang thương mại điện tử bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado) đều ký cam kết và thực hiện không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT…

Đến năm 2025, 100% các cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT. 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Mục tiêu của Kế hoạch này là vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với việc ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh truyền thống, cũng như trong thương mại điện tử; các cơ quan, tổ chức quản lý chợ- trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm, làng nghề, hội, hiệp hội ngành nghề… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, lực lượng QLTT thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời gắn trách nhiệm quản lý theo địa bàn của công chức, đơn vị QLTT địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị QLTT.

Trước đó, từ năm 2013 đến nay, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện Việt Nam có trên 59,4 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số, trong đó khoảng 44,8 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường TMĐT bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. 

Hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng; không chỉ diễn ra trên các website TMĐT, mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động. Do đó, TMĐT đang dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới và có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân, TMĐT đang thể hiện vai trò ưu việt trong việc duy trì vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) từng nhận định, TMĐT hiện đang rất khó kiểm soát, đặc biệt các giao dịch trên mạng xã hội nên cần phải có cách triệt để để quản lý chặt chẽ phương thức bán hàng trên mạng xã hội nói riêng, trên TMĐT nói chung.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/quan-chat-hang-hoa-tren-nen-tang-sothuong-mai--20201231000001438.html