10 địa phương có số điểm cao nhất, là những tỉnh xếp loại “tốt” về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, gồm: Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Nam, Hưng Yên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Long An, Đồng Tháp, Phú Thọ và TPHCM.

5/63 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng về công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm thủy sản năm 2016 gồm có: Cần Thơ, Khánh Hòa, Cao Bằng, Đắk Nông, Hà Tĩnh với xếp loại “còn hạn chế”.

Thủ đô Hà Nội đứng thứ 14 trong danh bảng xếp hạng và thuộc nhóm "đạt yêu cầu"

 Ảnh minh họa.

Việc đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các địa phương dựa trên những yếu tố sau:

  • Chỉ đạo, điều hành công tác quản lý ATTP
  • Tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP
  • Giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP
  • Tăng cường năng lực công tác quản lý ATTP
  • Xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Đây là lần thứ hai, Bộ NN&PTNT triển khai xếp hạng công tác quản lý ATTP lĩnh vực nông lâm thủy sản với mục đích tạo chuyển biến tích cực trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT tiếp tục lấy an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.

Năm nay, bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vấn nạn bơm nước vào lợn, trâu, bò và hóa chất trong tôm; thuốc bảo vệt thực vật, phân bón… Đồng thời cũng sẽ thực hiện thanh tra kiểm tra chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, an toàn thực phẩm là mặt trận nóng bỏng, rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, phải có những giải pháp đồng bộ, liên tục, kiên trì từ Trung ương xuống địa phương, triển khai quyết liệt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Minh Chuyên (Tổng hợp)/Reatimes