Người tiêu dùng ngày càng thông thạo và... khó tính
Cuộc khảo sát thói quen mua sắm trên 1.500 người tiêu dùng tại 4 tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đã giúp Nielsen rút ra một kết luận rằng đang có số đông người dân mua sắm chỉ để... giải trí.
Thật vậy, 30% người mua hàng mua sắm những nhu yếu phẩm hàng ngày - những sản phẩm không phải để nấu nướng và 24% đi mua sắm để giải trí trong khi chỉ có 19% trong số họ mua sắm để dự trữ.
Như vậy, đối với đại đa số người Việt, mua sắm không phải là mối bận tâm thường nhật khi có tới 9 trong 10 người được hỏi đã nói rằng họ thực sự thích việc đi mua hàng tạp hóa.
Tuy nhiên, theo Nielsen việc mua sắm đối với người Việt cần nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch, khám phá các chủng loại sản phẩm trong cửa hàng và tìm kiếm những sản phẩm có giá trị tốt nhất. Khi nói đến thái độ khi đi mua sắm, 82% nói rằng họ lên kế hoạch những gì cần mua trước khi đến cửa tiệm.
Hơn nữa, 84% nói rằng họ dành nhiều thời gian hơn và tìm kiếm tất cả những gì có sẵn trong cửa hàng để có được sản phẩm tốt.
Mặc dù không quá bận tâm tới việc mua sắm nhưng người tiêu dùng Việt lại thể hiện sự kỹ tính khi chọn mua thực phẩm và các sản phẩm liên quan tới sức khỏe.
Trong quý I/2017 và tháng 4 vừa qua, sức khỏe tiếp tục là yếu tố then chốt và luôn được người tiêu dùng ưu tiên khi đưa ra quyết định mua hàng của mình..
Báo cáo của Nielsen đã chỉ ra rằng: Các sản phẩm tươi sống luôn giữ vị trí quan trọng trong giỏ hàng của người mua hàng, chiếm tới 67% tổng giá trị giỏ hàng của một lần mua sắm.
Ông Roberto Butragueño - Phó Giám đốc, Chuyên trách Khối các nhà Bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Hiện nay mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng thậm chí còn nghiêng về những gì tốt cho sức khoẻ nhiều hơn nữa. Người tiêu dùng thông thạo và hiểu biết đang đòi hỏi nhiều hơn từ thực phẩm họ tiêu thụ, và một số người còn ưu tiên các sản phẩm có công bố thành phần trên nhãn hiệu."
Theo đó, đa số người dùng cho rằng đơn giản là tốt nhất và các thực phẩm nào chứa càng ít các chất phụ gia thì sẽ được đón nhận mạnh mẽ.
Có lẽ bởi vậy mà nhiều nhà sản xuất đã và đang sửa đổi các danh mục sản phẩm bằng cách đơn giản hóa danh sách các thành phần thực phẩm và tạo ra các sản phẩm thay thế tự nhiên và hữu cơ cho các sản phẩm hiện có.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng ưu tiên các vị trí vàng trong cửa tiệm dành cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe và luôn nhấn mạnh đến yếu tố tươi sống.
Mua sắm không còn là “chuyện riêng” của phụ nữ
Mặc dù phụ nữ vẫn là đối tượng mua sắm hàng tạp hóa chủ yếu trong các gia đình, nhưng ngày càng nhiều nam giới đóng vai trò chủ động hơn trong việc mua sắm.
Vị đại diện của Nilsen cho hay: “Quan điểm rằng việc mua sắm chỉ dành riêng cho phụ nữ đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại."
Bởi theo ông, bên cạnh sự chủ động hơn trong hoạt động mua sắm, nhóm khách hàng nam giới này còn thể hiện sự hứng thú trong việc lựa chọn các sản phẩm không liên quan đến thực phẩm, hoặc các nhu yếu phẩm cần mua trong trường hợp khẩn cấp cũng như mua sắm trong các dịp đặc biệt.
Số liệu khảo sát của Nielsen cho hay, với một số mục đích mua sắm, tỉ lệ người mua hàng là nam giới đã gia tăng đáng kể, cụ thể: Mua sắm để giải trí tăng 33%, mua sắm cho các nhu cầu khẩn cấp tăng 33% và mua sắm vào những dịp đặc biệt tăng 49%.
Trước những biến đổi về thói quen mua sắm này, đại diện Nielsen cho rằng các doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận cân bằng hơn, từ việc cải tiến, đổi mới sản phẩm cho đến các thông điệp truyền thông tiếp thị.