Việc kết án Oliver Schmidt, cựu giám đốc của Volkswagen ở Michigan, Mỹ là bước cuối cùng trong chuỗi khủng hoảng làm lu mờ danh tiếng của công ty và khiến cho nhà sản xuất ô tô phải bồi thường hơn 20 tỷ USD.
Theo thẩm phán Sean F. Cox tại Toà án Liên bang ở Detroit, bản phán quyết được đưa sau bốn tháng kể từ khi ông Schmidt, 48 tuổi, bị kết tội âm mưu lừa gạt chính phủ liên bang và vi phạm Đạo Luật Không khí sạch (Clean Air Act). Phán quyết phù hợp với khởi tố của công tố viên.
Ông Schmid là công dân Đức và là nhà điều hành cao cấp nhất của Volkswagen bị kết án trong vụ gian lận khí thải ở Mỹ. Bộ Tư pháp đã làm việc hết sức nghiêm túc trong việc truy tố và điều tra những người tham gia vào âm mưu sắp đặt kết quả của các cuộc thử nghiệm ô nhiễm cho hàng trăm nghìn động cơ diesel của Volkswagen nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, phần lớn những nghi can dính líu đến âm mưu gian lận này lại vượt ngoài khả năng truy tố của Bộ Tư pháp Mỹ vì có quốc tịch Đức, bởi Đức vốn thường không chấp thuận việc dẫn độ người dân của họ sang các quốc gia khác.
Ông Schmidt có thể sẽ là người phải chịu hình phạt khắc nghiệt nhất đối với việc gian lận khí thải mặc dù ông có thể không phải là người duy nhất hoặc nhân vật cao cấp nhất tham gia vào âm mưu này.
Schmidt bị bắt vào tháng giêng, hơn một năm sau khi vụ bê bối bùng nổ. Điều kỳ lạ là sau khi được chuyển công tác về Đức, Schmidt đã trở lại Mỹ để nghỉ hè với vợ và bị bắt giữ khi đang đợi một chuyến bay khởi hành tại Miami. Tại sao ông lại mạo hiểm đến Mỹ dù hiểu rằng mình có nguy cơ bị bắt giữ vẫn là một điều bí ẩn.
Ông Schmidt là nhân viên của Volkswagen từ năm 1997. Đến 2013, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của phòng kỹ thuật và môi trường của công ty tại Auburn Hills, Michigan.
Trước khi thi hành bản án, Thẩm phán Cox đã nhắc nhở ông Schmidt về hành động của ông và mô tả ông như một nhân vật quan trọng trong một âm mưu khổng lồ. "Bị cáo là người tổ chức âm mưu chính, nhận nhiệm vụ che đậy một vụ gian lận rộng khắp và kéo dài mãi mãi đối với người tiêu dùng tại Hoa Kỳ", thẩm phán cho biết vào cuối buổi điều trần gần hai tiếng đồng hồ.
Các công tố viên khẳng định rằng Schmidt đã cung cấp thông tin sai lệch cho các cơ quan liên bang sau khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường phát hiện ra “thiết bị gian lận” mà Volkswagen sử dụng để tránh né các quy tắc ô nhiễm khí thải.
Thẩm phán Cox nói rằng việc Schmidt che đậy các cơ quan quản lý các thiết bị gian lận không phải là một tội danh đơn thuần. "Bị cáo đã tính toán sự gian lận ở phạm vi rộng lớn này như là cơ hội để tỏa sáng và leo lên bậc thang của công ty", thẩm phán cho biết.
Trong lời thừa nhận của mình với thẩm phán, Schmidt - cổ tay bị còng, mặc bộ đồ tù nhân màu đỏ và cặp kính cận đen - cho biết ông nhận trách nhiệm về hành động sai trái của mình. Ông nói bằng tiếng Anh giọng Đức: "Tôi đã có những quyết định tồi tệ, và tôi xin lỗi."
Schmidt đã tìm cách giảm bản án của mình còn 40 tháng tù giam và mức phạt 100.000 USD.
Trong một bức thư gửi cho thẩm phán trước khi kết án, Schmidt nói sự trung thành của ông với Volkswagen đã khiến ông bị "lợi dụng bởi chính công ty của mình". Ông đã trích dẫn một cuộc họp vào năm 2015 với một quan chức cấp cao của Ủy ban Tài nguyên California. Tại đây, ông đã che giấu sự tồn tại của phần mềm cho phép Volkswagen gian lận các bài kiểm tra khí thải.
"Tôi được chỉ đạo để tham dự cuộc họp. Một kịch bản hoặc các luận điểm đã lên sẵn và được chấp thuận bởi các nhà quản lý giám sát tại VW, bao gồm cả một đội ngũ luật sư cao cấp nội bộ", ông nói trong bức thư. "Thật đáng tiếc, tôi đã đồng ý làm theo."
Schmidt đã không chỉ đích danh bất kỳ cấp trên nào của Volkswagen, những người có thể đã gây áp lực buộc ông phải nói dối với các nhà quản lý.
Volkswagen đã tiếp tục hoạt động và để lại vụ bê bối ở Hoa Kỳ đằng sau, bằng cách đồng ý nhận tội vào năm nay với các cáo buộc về tội nhập khẩu bất hợp pháp gần 600.000 xe được trang bị thiết bị để vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn khí thải. Hãng đã trả 4,3 tỷ USD tiền phạt và bị quản chế trong ba năm, với sự giám sát việc tuân thủ đạo đức và biện pháp khác.
Ngoài Schmidt, chỉ có một kỹ sư công ty, James Liang, bị kết án ở Mỹ về vấn đề này. James nhận mức án 40 tháng tù vào tháng Tám sau khi nhận tội âm mưu gian lận chính phủ và vi phạm Đạo Luật về Không khí sạch.
Một nhân vật khác trong cuộc điều tra của Mỹ, Zaccheo Pamio, giám đốc bộ phận phân phối Audi của công ty, đã bị bắt ở Đức vào tháng 7. Là một công dân Ý, ông phải đối mặt với khả năng bị dẫn độ - không giống như năm giám đốc điều hành người Đức khác đang cố thủ tại quê nhà dù cũng bị truy tố tại Mỹ.