Ngày 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Đồng tình, thống nhất việc sửa đổi Luật Thủ đô

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn thi hành Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tham dự phiên họp
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tham dự phiên họp

Các đại biểu Quốc hội cũng nhận định, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 9 năm thi hành Luật; trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước.

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu, đã có hơn 100 ý kiến góp ý về dự án Luật này, kể cả tại các phiên thảo luận tổ và bằng văn bản. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô sửa đổi.

“Luật này có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn rất rõ ràng và có tính thuyết phục. Chúng ta cần thống nhất xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô cả nước, chứ không phải riêng cho thành phố Hà Nội. Và nếu chúng ta xây dựng được các cơ chế để Thủ đô phát triển, Thủ đô sẽ tiếp tục làm đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa... cho cả nước” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh.

Trước một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số nội dung trong Dự Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình; cùng với thành phố Hà Nội, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp sau.

Dự kiến tăng khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND thành phố

Phát biểu bổ sung về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu, Hà Nội đã sơ kết và đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thống nhất nhận thức tiếp tục thực hiện cơ chế này, luật hóa để phát huy hiệu quả, hiệu lực và đảm bảo vận hành tốt. Trên cơ sở thực tế, khi tăng cường phân cấp, phân quyền, HĐND cấp quận được giao thêm khá nhiều nhiệm vụ nên cần thiết phải có một cấp hội đồng ở đây.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về số lượng đại biểu HĐND và cấp phó của HĐND, theo số liệu chưa đầy đủ, Hà Nội có tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm là 1,4%. Với số lượng 95 đại biểu HĐND thành phố hiện nay, chia bình quân thì 105.000 người dân mới có một đại biểu, thấp hơn bình quân của cả nước (là 26.500 người dân/đại biểu).

Ngoài ra, các nhiệm vụ giao bổ sung cho HĐND gồm 38 nhiệm vụ, quyền hạn và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 110 nhiệm vụ, quyền hạn nếu như Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC

Các biện pháp về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được quy định tại Điều 34 dự thảo Luật khiến một số đại biểu còn băn khoăn. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đây là những nội dung tương đối đặc thù khi khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Tuy nhiên, dự thảo Luật thiết kế theo hướng là biện pháp ngăn chặn, chứ không phải là biện pháp xử lý; trong đó lưu tâm đặc biệt đến quy định với các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, chúng ta đã thực hiện Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, trong đó cũng áp dụng một số biện pháp ngăn chặn vi phạm trật tự đô thị. Theo tổng kết của Hà Nội, những biện pháp này đã phát huy tác dụng, hiệu quả. Tuy nhiên, trước các ý kiến băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện chặt chẽ hơn về các quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng, bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức có liên quan.

Liên quan đến áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4 dự thảo Luật), theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, những quy định dự kiến tại Điều 4 tương đối khả thi. Theo hướng thiết kế này, các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ thêm nhiệm vụ phải theo dõi sát quá trình áp dụng triển khai Luật Thủ đô và các luật hiện hành, các luật sắp ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu, 6 đại biểu tranh luận. Các ý kiến thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắng, trí tuệ, tâm huyết về nhiều nội dung bao quát quan trọng của dự thảo luật, vừa thể hiện tính toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết, gắn với các điều khoản quy định tại dự thảo Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà quản lý, các hiệp hội; tổ chức các hội nghị, tọa đàm... để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quoc-hoi-thong-nhat-can-thiet-ban-hanh-luat-thu-do-sua-doi.html