Bộ Tài chính vừa có báo cáo chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng, số dư Quỹ bình ồn giá xăng dầu trong quý 1/2019 của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Cụ thể, đến ngày 31/12/2018, quỹ bình ổn giá có dư số tiền 3.504,376 tỉ đồng. Trong quý 1 năm nay, các doanh nghiệp đã thực hiện trích lập được tổng cộng là 1.659,258 tỉ đồng cho quỹ bình ổn giá.
Nhưng các doanh nghiệp đã được sử dụng tới 5.787 tỉ đồng từ quỹ bình ổn giá để giảm bớt mức độ tăng giá xăng dầu trong các lần điều chỉnh giá từ đầu năm đến hết quý 1. Do đó, đến cuối tháng 3/2019, quỹ bình ổn giá đã bị âm tới hơn 620 tỉ đồng.
Quý 1/2019, giá xăng liên tục được điều chỉnh tăng cao với tổng mức tăng 26% đối với xăng RON 95 |
Theo ghi nhận quý 1 cũng là thời điểm giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, kéo theo việc liên bộ Tài chính- Công thương liên tục cho phép doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Giá xăng dầu trong nước đã tăng mạnh lên mức đỉnh 22.190 đồng/lít với xăng RON95, tăng 26% so với đầu năm. Xăng E5 chạm mốc 20.680 đồng/lít, tăng 27%… Cùng với việc tăng giá, doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn để “bù đắp” giảm bớt mức độ tăng giá.
Do đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị âm và ước tính đến hết tháng 4/2019 bị âm khoảng 1.000 tỉ đồng.
Cùng với việc tăng mạnh giá xăng, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và chuyên gia cho rằng, cách trích lập và điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian vừa qua đang “có vấn đề” cần xem lại. Theo báo cáo từ doanh nghiệp, tính đến ngày 2/5/2019, quỹ bình ổn giá tại Petrolimex đang bị âm 355 tỉ đồng, tăng thêm 45% so với kỳ điều chỉnh 15 ngày trước đó.
Tương tự, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ hai lĩnh vực xăng dầu là PVOil tính đến ngày 5/5/2019 cũng ghi nhận quỹ bình ổn giá đã âm gần 700 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác rơi vào tình trạng âm Quỹ bình ổn giá tới cả trăm tỉ đồng…
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), trong điều hành, nếu cơ quan quản lý là Bộ Công Thương tiếp tục quyết định xả quỹ kéo dài sẽ gây bội chi quỹ và đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. “Chúng ta sử dụng quỹ bình ổn giá song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập quỹ cũng cần xem xét lại”, ông Bảo nói.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/quy-binh-on-gia-da-bu-dap-5787-ti-dong-cho-gia-xang-dau-5306.html