Ngày 24-3, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, để tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 20-3, UBND thành phố đã phê duyệt quy định chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp. Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã bố trí kinh phí, ngân sách thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.
Về chế độ đối với người tham gia chống dịch, thành phố sẽ bố trí chi chế độ phụ cấp mức 200.000 đồng/ngày/người. Nếu tham gia chống dịch vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên. Nếu tham gia chống dịch vào ngày lễ, tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Ngoài ra, thành phố chi chế độ hỗ trợ tiền ăn mức 100.000 đồng/ngày/người, đối với các đối tượng, gồm: Người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; cán bộ, lao động tham gia thực hiện khoanh vùng, phong tỏa cách ly khu vực có dịch Covid-19 ở từng mức độ theo cấp xã, huyện, tỉnh do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định.
Thành phố chi chế độ phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ mức 130.000 đồng/ngày/người; vào ngày nghỉ hằng tuần bằng 1,3 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường; vào ngày lễ, tết bằng 1,8 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường (áp dụng cho các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ). Chế độ đối với cộng tác viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch trong thời gian có dịch Covid-19 là mức 130.000 đồng/ngày/người; mức 80.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập...
UBND thành phố giao Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu kinh phí để thực hiện các chế độ. UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ được giao.