Sẽ là cuộc chiến chưa từng có…
Liên quan tới vấn đề các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) buôn bán sách lậu do Tổng giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) Nguyễn Văn Phước chỉ ra trong buổi Họp báo "Sách giả sẽ giết chết ngành xuất bản" đang khiến dư luận xôn xao, PV đã phỏng vấn ông Phước và được ông cho biết thêm:
"First News đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả các sàn, công ty TMĐT bán sách online, quay video từ khâu đặt sách đến khi nhận hàng, và không mở các bao sách được giao ra. Sau đó, để đảm bảo tính minh bạch, công khai, công ty mời các công ty Thừa Phát Lại đến tiến hành mở bao hàng và lập vi bằng. Thật bất ngờ, tất cả 128 đơn hàng ngẫu nhiên đó đều là sách in lậu, sách giả".
Sách lậu không chỉ được bán trên các sàn TMĐT mà còn được bày bán tràn lan trên thị trường. Để chứng minh điều này, ông Phước đã đưa ra bằng chứng: "First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn nhưng đến hôm nay chúng tôi đã phát hiện 686 đầu sách của chúng tôi bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức.
Có rất nhiều bộ cuốn sách của First News bị nhiều nơi cùng in lậu một lúc như trọn bộ sách Hạt giống tâm hồn, Chicken soup for the soul, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách, bộ Hành trình về phương Đông, Quà tặng diệu kỳ,... bị 16 trùm in lậu cùng cạnh tranh nhau in lậu làm giả…”.
Không chỉ vậy, ông Phước cho biết, rất nhiều trùm in lậu đã để giá sách giả cao hơn sách thật nhằm đánh lừa bạn đọc thích giảm giá. Ví dụ, nguyên bộ 19 cuốn Hạt giống tâm hồn sách thật có giá 42.000 đồng, nhưng sách giả tăng tất cả các cuốn trong bộ lên 50.000 đồng.
Hành vi in và tiêu thụ sách lậu không chỉ lừa dối bạn đọc, ủng hộ những kẻ làm gian mà còn là nguồn gốc những tiêu cực, tham nhũng trong quản lý in ấn, phát hành ở Việt Nam và trực tiếp triệt phá những tác giả có tâm, những NXB và đơn vị chân chính ở Việt Nam.
Nhưng theo ông Phước, đau lòng hơn chính là: "Một cuốn sách thật vất vả trải qua hàng chục khâu ý tưởng thực hiện cẩn thận nhiều tháng đến cả năm trời lao tâm khổ tứ, thức khuya dậy sớm, xin phép tắc tới lui chỉnh sửa bao lần từng câu từng chữ mới được phép xuất bản - 16 cuốn sách giả ăn cướp trắng trợn, in lậu trái phép vài ngày ra sách tung hoành ngang dọc, dưới đất online cùng đè bẹp sách thật".
Trước tình trạng sách lậu được buôn bán tràn lan và ngày càng trở nên tinh vi, diễn ra một cách công khai bấp chấp pháp luật và các cơ quan chức năng, người sáng lập thương hiệu sách First News đã đưa ra lời kêu gọi và cầu khẩn: “Hãy làm hết phận sự và những gì có thể, để cứu những tác giả, những đơn vị làm sách các NXB chân chính ở Việt Nam và triệt phá tận gốc rễ quốc nạn in lậu sách giả - vốn là nguồn gốc của bao tiêu cực, tham nhũng, vốn làm mất đi thất thu ngân sách nhà nước hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế trong nhiều năm qua”.
Khó phân biệt thật – giả
Mặc dù, sách giả đang được bán tràn lan trên mạng xã hội và trên thị trường nhưng theo khảo sát của PV tại các cửa hàng sách trên địa bàn Hà Nội thì người đọc rất khó để phát hiện ra đâu là sách thật, đâu là sách in lậu.
Hà Nội có 4 phố sách nổi tiếng là phố sách Đinh Lễ, phố sách 19/12, phố sách cũ ở Đường Láng, phố sách trên đường Phạm Văn Đồng. Tại đây, người mua có thể tìm thấy bất kỳ cuốn nào liên quan tới phát triển bản thân, tiểu thuyết văn học, phật giáo, kinh doanh, nuôi dạy con, kiếm hiệp… Sách được bán một cách tràn lan, thật – giả lẫn lộn.
Khi được hỏi về việc “phân biệt sách in lậu với sách in hợp pháp” thì chị Nguyễn Thị Hồng, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội liền lắc đầu và nói: “Nếu sách in lậu quá ẩu theo kiểu giấy ngả mầu, sần sùi, hay bị dính trang thì tôi còn phát hiện được, chứ nếu in một cách tinh vi rồi lại bán ở những cửa hàng sách nổi tiếng thì rất khó để phát hiện ra”.
Chị Hồng cũng cho rằng, chính chị cũng không biết trong số những cuốn sách đã mua thì có bao nhiêu là cuốn là sách thật và chị cũng không quan tâm nhiều tới mức độ thật – giả của chúng, chỉ cần đọc được là tốt.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trung (Phố Huế, Hà Nội) - một người mê đọc sách lại cho rằng mỗi lần phát hiện ra mua sách in lậu thì rất bực mình. Là người trân trọng sách, nên mỗi khi mua, ông lựa chọn rất kỹ nhưng vẫn không tránh khỏi mua phải sách giả.
“Nhìn bên ngoài thì thấy nó bóng mượt, hình ảnh sắc nét, chữ cũng no tròn, đẹp mặt, chất lượng giấy tốt nên tôi không nghĩ đó là sách giả, chỉ đến khi đem về đọc thì mới biết có nhiều đoạn họ in sai, in thiếu nội dung so với những cuốn tôi đã đọc trước đó”, ông Trung nói.
Đáng nói, ở thời buổi công nghệ, không chỉ có sách giấy đối diện với tình trạng bị in lậu mà sách điện tử cũng liên tục bị vi phạm bản quyền. Đây là một dạng sách lậu mới. Với đặc thù thường được quảng cáo, mua bán, đăng tải trên internet cho nên sách điện tử đang đối diện với việc bị xâm phạm bản quyền.
Nói về việc sản xuất, in ấn sách tinh vi hiện nay của nhiều cơ sở in lậu, ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) chia sẻ, sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện những chi tiết như: Bìa mờ nhạt hơn một chút, giấy bìa và ruột sách mỏng hơn vài %, chữ in không sắc nét, mực in không đều, hơi lem nhem chỉ ở những trang có chữ to, trang bìa lót, trang lưu chiểu cuối và những trang có hình ảnh minh họa.
"Nếu chỉ nhìn qua bìa các sách giả so sánh với sách thật bên cạnh nhau thì bạn đọc tinh ý có thể so sánh, phân biệt được, nhưng phương pháp này chỉ áp dụng với những sách in lậu tay ngang. Cuốn sách nhìn mỏng và èo uột hơn sách thật một chút. Còn có những sách giả giống như đúc sách thật bao gồm cả logo địa chỉ First News - Trí Việt, hiệu ứng chữ nổi hay ép nhũ không hề khác bìa sách thật”, ông Phước nói.
Trước tình trạng này, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ, sách giả là một thực trạng vô cùng tệ hại trong lĩnh vực xuất bản xảy ra lâu nay, nhưng đáng tiếc là thực trạng này không được khắc phục mà ngày càng phát triển.
Theo ông Hoàng, muốn bảo vệ được ngành xuất bản thì cần nhiều bên phối hợp lại để đấu tranh với nạn sách giả. Trong đó cần nhất là cần cơ chế quản lý, phải xử lý, phạt thật nặng hành vi làm sách giả.
Những vụ bắt giữ đường dây in sách lậu số lượng lớn
|