Nhiều vấn đề chưa có quy định điều chỉnh
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, ngày 5/3/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP (Nghị định 29) quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo đánh giá sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị định số 29 dần bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, để phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng nghị định mới nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung các quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh; giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Cũng theo Bộ Tài chính, trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản quy định tại Nghị định số 29 chưa phù hợp với thực tiễn của một số lĩnh vực có khối lượng phát sinh rất lớn như: quản lý thị trường, hải quan, CA, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... Đồng thời, Nghị định số 29 chưa quy định cụ thể về thủ tục hành chính, hồ sơ khi lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản.
Quy định về thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trên cơ sở giá trị tài sản là không phù hợp, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong thực hiện.
Đáng chú ý, hiện một số loại tài sản có vướng mắc, như: Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án; tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước biếu tặng, tài trợ; tài sản tịch thu là vàng, bạc, đá quý, kim loại quý…
Mặt khác, việc quy định thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trên cơ sở giá trị tài sản không phù hợp, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong thực hiện. Theo quy định tại Nghị định 29, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “đơn vị tài sản” để xác định thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý rất khó khăn, nhất là với các loại hàng hóa như xăng dầu, thực phẩm, khẩu trang, hàng tiêu dùng. Một vướng mắc khác cũng được Bộ Tài chính nêu ra, đó là việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản.
Theo quy định hiện hành, số tiền thu được từ xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công làm chủ tài sản. Trong đó, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công hiện đang được phân cấp quản lý thuộc Bộ Tài chính, Sở tài chính và Phòng Tài chính - kế hoạch huyện. Việc này dẫn đến việc thanh toán chi phí không biết nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính nơi xử lý tài sản hay Sở Tài chính nơi đặt trụ sở cơ quan phê duyệt phương án xử lý.
Dự thảo nghị định sửa đổi sẽ bổ sung các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 29 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng nhằm đồng bộ với các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công đã được Chính phủ ban hành. Dự thảo cũng sẽ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung một số nội dung để phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, đồng thời, giải quyết các vấn để phát sinh trong thực tiễn thời gian vừa qua. Dự thảo cũng sẽ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Một nội dung quan trọng tại dự thảo là việc điều chỉnh đối tượng, phạm vi. Cụ thể, Điều 2 dự thảo Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; đồng thời, rà soát, bổ sung một số loại tài sản thuộc đối tượng xác lập sở hữu toàn dân nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 29, gồm tài sản thuộc về Nhà nước, theo quy định tại Khoản 4 Điều 218 Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm, tài sản là hàng tạm gửi hành lý hải quan không nhận lại, quy định tại khoản 6 Điều 59 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 27/1/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vuong-mac-quan-ly-tai-san-xac-lap-so-huu-toan-dan-sap-duoc-giai-quyet-312490.html