Theo thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), theo kế hoạch, năm 2022 sẽ có 26 dự án giao thông lĩnh vực đường bộ hoàn thành, trong đó có 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Năm 2022 sẽ hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án hoàn thành gồm: Mai Sơn -Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. (Ảnh minh họa)
Năm 2022 sẽ hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án hoàn thành gồm: Mai Sơn -Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. (Ảnh minh họa)

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng

Ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là công trình đường bộ cao tốc có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Khơi thông được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông sẽ tạo cơ hội cho giao thương phát triển và phân phối hàng hóa. Nhưng sau 20 năm khởi động, tới nay cả nước mới chỉ có được khoảng 1.000 km đường cao tốc. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng nếu muốn kinh tế - xã hội có sự phát triển bứt phá.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện Dự án này nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Theo nghị quyết này, đầu tư khoảng 729 km đường cao tốc, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 18/NQ-CP để triển khai thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt, các mốc tiến độ cụ thể. Tính đến thời điểm hiện tại, có nhiều dự án khối lượng xây lắp hoàn thành khoảng 30%, còn 70% cần hoàn thành trong 9 tháng. Nhìn vào tiến độ thực hiện, nếu công tác đền bù tiến hành chậm hoặc vật tư thiếu thì việc hoàn thành 654 km cao tốc vào năm 2024 là điều khó khăn. 

Phải hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án phải khánh thành

Cùng với đó, theo kế hoạch trong năm nay, chúng ta phải hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án phải khánh thành gồm Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Thời gian hoàn thành dự án đã được ấn định, mốc tiến độ được tính từng ngày. Để về đích đúng hạn, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành và địa phương có liên quan trong quá trình triển khai các dự án. Muốn vậy, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương. Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng, phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai dự án.

Có thể nói, đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Khi hoàn thành dự án này sẽ làm thay đổi diện mạo đất nước. Do đó, khi thực hiện dự án phải bảo đảm chất lượng, tiến độ và chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nhấn mạnh: “3 mục tiêu này phải song hành với nhau. Tiến độ mà ỳ ra thì lấy đâu chất lượng công trình tốt. Càng chậm thì càng tiêu cực”.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, năm 2022 sẽ hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án hoàn thành gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Hiện nay, 2 dự án đang đáp ứng tiến độ gồm: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37 km với sản lượng thực hiện đạt 57,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu; đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, dự kiến hoàn thành ngày 30/9, hiện đạt khoảng 81,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Còn lại 2/4 dự án là Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chậm tiến độ do một số nhà thầu không đáp ứng được năng lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức thi công.

Mạnh tay điều chuyển nhà thầu năng lực kém

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, để đảm bảo tiến độ chung của toàn tuyến cao tốc, Bộ kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng. Đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, cấm đấu thầu từ 3-5 năm đối với dự án do Bộ GTVT quản lý.

Cụ thể như dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các nhà thầu phụ là Công ty 388 và Công ty Tân Thành, yêu cầu các nhà thầu chính là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 122 Vĩnh Thịnh tăng cường thi công khi thầu phụ không đáp ứng tiến độ.

Cùng với đó là một số nhà thầu cũng được đưa vào diện cảnh báo như: Tổng Công ty 319 và nhà thầu phụ Hoàng Nguyên, Tổng Công ty 36 và nhà thầu phụ Công ty Nhạc Sơn, Công ty Hà An, Công ty Thành Phát, Cienco5 và thầu phụ Công ty Đại Hiệp, Công ty 471 và nhà thầu phụ Công ty Bảo Sơn.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng điều chuyển khối lượng 560 m của Công ty TNHH Hoàng Nguyên và đường đầu cầu của Công ty TNHH Vinh Khải tại gói thầu XL3 cho Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68.

Mặt khác, ngoài việc kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, Bộ GTVT cho biết, đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để đảm bảo các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam bám sát kế hoạch đã đề ra, như: Bộ trưởng phân công các đồng chí Thứ trưởng phụ trách thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc các ban QLDA, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác GPMB, nguồn vật liệu...

Tập thể lãnh đạo Bộ tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ hàng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Ban QLDA có dự án chậm tiến độ; trường hợp dự án không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xem xét thay thế người đứng đầu.

Các dự án dự kiến "cán đích" trong tháng 3/2022, gồm: dự án thành phần 1 và thành phần 2 thuộc dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25 qua địa bàn hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai; Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương).

Tháng 6/2022 có dự án thành phần 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 từ Quảng Ngãi đến Kon Tum.

Tháng 8/2022 là dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn Phố Ràng - Khau Co (Km67 - Km158), tỉnh Lào Cai.

Tháng 10/2022 có các dự án: Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa; Tiểu dự án 3 thuộc dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa; dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Tháng 11/2022 là dự án cải tạo, nâng cấp QL21B đoạn từ Km41+000 - Km57+950 (Chợ Dầu - Ba Đa), tỉnh Hà Nam.

Tháng cuối cùng của năm 2022, dự kiến sẽ có số lượng dự án về đích nhiều nhất. Điển hình là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, gồm: đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Cùng đó là các dự án giao thông quan trọng mới khởi công từ cuối năm 2021, gồm: Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP.Cà Mau; Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng.

Một số dự án khác cũng dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022, gồm: dự án cải tạo, nâng cấp QL61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Dự án cải tạo, nâng cấp QL63 đoạn từ Km74+200 - Km112+782,59 tỉnh Cà Mau; Dự án cải tạo, nâng cấp QL4E đoạn Bắc Ngầm - TP. Lào Cai;Dự án nâng cấp, mở rộng QL15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An; Dự án cải tạo và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên QL12 đoạn Km102 - Km139+650, tỉnh Điện Biên; Dự án cải tạo, nâng cấp QL279B, tỉnh Điện Biên; Dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến QL1, tỉnh Quảng Trị.

Ngoài các dự án trên, một số dự án cũng được đưa vào kế hoạch "cán đích" trong năm nay, gồm: Dự án mở rộng một số cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang; Dự án TP2 đầu tư hoàn thiện QL12A đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL12A; Dự án cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29, Km40 -Km66 trên QL4A, tỉnh Lạng Sơn; Dự án nâng cấp QL37 đoạn Km280+00 - Km340+00 tỉnh Yên Bái và Dự án nâng cấp QL32C, đoạn Hiền Lương - TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Theo Kinhtemoitruong.vn