Kể từ khi Nghị định 43/2017/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa có hiệu lực, nhiều khó khăn của các doanh nghiệp đã được tháo gỡ, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đó, Nghị định 43 làm giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp như: Miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích mua bán. Hàng hóa xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nghị định 43 quy định doanh nghiệp được phép tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định Việt Nam tham gia.

Doanh nghiệp có hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau mà có cùng tiêu chuẩn chất lượng, thì được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không phải ghi tất cả các địa chỉ sản xuất như quy định cũ.

Bên cạnh đó, nhằm giảm chi phí về nhãn hàng hóa cho doanh nghiệp, Nghị định 43 còn cho phép hàng hóa có nhãn cũ được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó.

Những nhãn hàng hóa, bao bì đã in sẵn trước thời điểm Nghị định 43 có hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 2 năm kể từ ngày 1/6/2017.

Nghị định này cũng quy định, hàng hóa phải dán nhãn mác thông tin chi tiết để khắc phục tình trạng doanh nghiệp cố tình nhập nhằng ngày sản xuất, hạn sử dụng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa…

Theo Minh Chuyên/Reatimes