Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng.
Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 87.000 trường hợp mắc số xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018 (năm 2018 số mắc cùng kỳ là hơn 28.000 trường hợp, tử vong là 8 trường hợp). Trong số những trường hợp mắc bệnh, có 6 ca tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP.HCM.
Đặc biệt trong 5 tuần gần đây số mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nội.
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 24 đến 30/6, thành phố ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 52 trường hợp so với tuần trước đó. Số ca mắc sốt xuất huyết rải rác tại 85 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, số ca sốt xuất huyết tăng cao là do điều kiện thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng phát triển.
Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang… là môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, do thời điểm hiện nay đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.
Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vô xe cũ, hốc tre, bẹ lá,…Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đặc biết, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế dễ được khám và tư vấn điều trị; không được tự điều trị tại nhà.
Nguồn: https://congluan.vn/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tang-cao-bat-thuong-nguy-co-bung-phat-dich-trong-ca-nuoc-post65264.html