Alzheimer là căn bệnh thoái hóa não và không có khả năng hồi phục, biểu hiện của bệnh là hiện tượng mất trí, sa sút trí tuệ, bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, do môi trường sống và áp lực công việc ngày một nhiều nên bệnh Alzheimer đang có xu hướng trẻ hóa.
PGS.TS Nguyễn Thi Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học TP. HCM cho biết: Alzheimer xếp thứ 6 trong những nguyên nhân hàng đầu gây chết người. Nếu như trước đây, bệnh chỉ xảy ra ở những người cao tuổi thì hiện nay Alzheimer đã tấn công cả những người trẻ, thậm chí ngoài 20 tuổi cũng có thể gặp.
Bởi vì từ tuổi 25, mỗi ngày sẽ có khoảng 3000 tế bào não bị chết và không có tế bào não mới được sinh ra. Trong đó, các tế bào thần kinh sẽ liên tục bị thoái hóa, gây ảnh hưởng đến đường dẫn truyền thần kinh. Từ đó gây giảm trí nhớ và hình thành chứng đãng trí ở những người trẻ tuổi.
Tiến sĩ Hùng cho biết thêm, cứ khoảng 100 người trẻ đến khám bệnh tại cơ quan y tế thì có khoảng 20 người gặp các vấn đề về suy giảm trí nhớ. Một khảo sát tại Australia năm 2014 cho thấy, có 24.500 công dân trẻ ở nước này bị mắc hội chứng đãng trí. Và Hiệp hội Alzheimer của Australia cảnh báo rằng 35 không còn là độ tuổi quá sớm để bạn đề phòng bệnh.
Ảnh minh họa |
Dấu hiệu bệnh Alzheimer
Giám trí nhớ và khó hoàn thành các công việc hàng ngày
Bạn có thường xuyên quên nơi cất chìa khóa? Có lẽ bạn chỉ đơn giản là người có tính hay quên. Thế nhưng nếu thường xuyên quên các sự kiện gần đây hoặc thông tin mới, thì Hội Alzheimer Canada cảnh báo bạn có thể có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Một trong những dấu hiệu sớm hay gặp nhất của bệnh Alzheimer là mất phương hướng. Một số người bị quên, ví dụ, hôm nay là ngày gì. Những người khác tin rằng họ đang sống trong một khoảng thời gian khác hoặc gặp khó khăn trong việc xác định vị trí hiện tại của mình. Những dấu hiệu như vậy không nên bị xem nhẹ và cần được chăm sóc y tế.
Bạn không còn biết cách sử dụng máy rửa bát? Việc chuẩn bị bữa ăn trở thành một thách thức? Bạn quên mất cách đánh răng? Một trong những dấu hiệu sớm phổ biến nhất của bệnh Alzheimer là gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động theo thói quen. Nếu điều này nghe có vẻ giống bạn, hãy hẹn gặp bác sĩ ngay.
Thường xuyên quên vị trí các vật
Những vật dụng thường ngày như điện thoại, ví tiền, chìa khóa thậm chí cả túi xách to đùng nhưng sau khi đặt xuống một nơi quen thuộc thì bạn lại chẳng nhớ nó nằm ở đâu. Và một khi nặng hơn thì bạn có thể quên cả công việc theo lịch trình ngày nào cũng làm như nấu cơm, đi tắm...
Không nhớ đang định làm gì, đang định đi đâu
Một khi trí nhớ bạn có vấn đề thì bạn sẽ thường xuyên "khựng" lại không biết mình đang định làm gì. Đơn giản như bạn đang định đứng dậy lấy nước uống nhưng khi đứng dậy thì quên khuấy đi mất. Cũng tương tự như vậy, bạn đang định đi chợ nhưng khi ra khỏi nhà thì phải ngẩn người một lúc lâu mới nhớ mình muốn đi đâu. Nếu có dấu hiệu này thì cần lưu ý ngay vì nó báo hiệu trí nhớ bạn đang suy giảm nghiêm trọng hơn.
Nói lặp đi lặp lại một vấn đề
Bạn đã nói vấn đề này rồi nhưng cứ nghĩ là chưa nói nên tiếp tục nói thêm vài lần nữa, thậm chí chỉ cho cùng một người. Và đôi lúc, sau khi nói xong vài lần thì bạn cũng không nhận ra được mình đang lặp đi lặp lại vấn đề này.
Quên khuấy cuộc hẹn quan trọng
Thường xuyên quên cuộc hẹn quan trọng là biểu hiện thường gặp ở những người bị suy giảm trí nhớ, bị đãng trí hoặc thậm chí là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer. Nếu có dấu hiệu này thì bạn cũng không nên chủ quan mà phải chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần.
Các triệu chứng phổ biến khác liên quan đến bệnh
Thỉnh thoảng nhầm lẫn về tiền nong là chuyện thường xảy ra. Không phải ai cũng có thể là thiên tài toán học. Nhưng có lẽ đã đến lúc phải lo lắng khi bạn không còn xác định được mình phải trả bao nhiêu tiền hoặc cộng những con số đơn giản. Theo Hội Alzheimer, một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer là gặp khó khăn khi làm việc với những con số.
Bệnh nhân Alzheimer nhẹ đôi khi gặp vấn đề với phối hợp động tác. Họ mất khả năng sử dụng một số đồ vật hàng ngày hoặc gặp khó khăn khi viết. Tuy nhiên, những người luôn viết kém không nhất thiết có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.
Một số người gặp khó khăn trong việc tuân thủ kế hoạch, nhưng điều này không có nghĩa là họ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, những người có khả năng mắc bệnh thoái hóa thần kinh này rất khó lập kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, họ có thể mất khả năng làm theo một công thức nấu ăn.
Những người có nguy cơ bị chẩn đoán mắc Alzheimer có xu hướng cất giữ không đúng những vật dụng được sử dụng thường xuyên. Ví dụ, họ có thể cho bát đĩa bẩn vào máy giặt hoặc quần áo bẩn vào máy rửa bát. Sau đó, họ cảm thấy bị mất khi không thể tìm thấy những đồ vật bị cất không đúng cách.
Giảm thị lực liên quan đến tuổi và nhu cầu đeo kính là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, Hội Alzheimer cảnh báo mất khả năng đọc, phán đoán khoảng cách và nhận ra màu sắc là không bình thường.
Những nguyên nhân khiến người trẻ bị Alzheimer
Các chuyên gia thần kinh học cho biết, xã hội phát triển khiến cho người trẻ phải đối mặt với rất nhiều áp lực cả trong công việc lẫn cuộc sống. Vì thế, nguy cơ mắc các bệnh lý về thần kinh ngày càng cao mà không phụ thuộc vào yếu tố tuổi tác. Có thể kể đến một số nguyên nhân dẫn đến bệnh Alzheimer ở người trẻ như:
Chịu nhiều áp lực: Có quá nhiều áp lực mà người trẻ phải đối mặt như học tập, công việc, thu nhập cá nhân... Những suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến họ luôn trong trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, thiếu tập trung và không thể ghi nhớ được các sự việc diễn ra cũng như những điều cần làm.
Ít vận động: Một số người trẻ vì quá bận rộn nên ít có thời gian luyện tập thể thao, số còn lại thì lại dành thời gian để lướt web, chơi facebook… và trở nên lười vận động. Cả hai đều là những nguyên nhân gây béo phì, khiến lượng mỡ trong máu cao. Từ đó khiến cho quá trình máu lưu thông lên não bị hạn chế, và đây chính là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ.
Lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm sút trí nhớ ở bạn như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm… Nhóm thuốc này có chứa chất corticoid, một hoạt chất khiến não bộ hoạt động kém hiệu quả.
Sử dụng các chất kích thích: Nếu sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá... thì não bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng kém ghi nhớ thông tin. Nếu không muốn bị bệnh Alzheimer khi còn trẻ thì bạn hãy hạn chế sử dụng những chất kích thích kể trên.
Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu khoa học cho thấy, bệnh Alzheimer cũng sẽ xảy ra theo di truyền. Nghĩa là nếu trong gia đình có người từng bị bệnh Alzheimer thì các thế hệ sau cũng sẽ rất dễ mắc bệnh.
Ngoài các nguyên nhân trên, bệnh Alzheimer còn hình thành ở người trẻ tuổi do một số căn bệnh khác như viêm não, viêm màng não do vi khuẩn, sốt rét ác tính thể não, giang mai não… hoặc hậu quả từ các chấn thương vùng đầu, não.
Cần làm gì để phòng tránh bệnh Alzheimer ở người trẻ
Để cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ cũng như phòng ngừa bệnh diễn biến phức tạp hơn khi về già, người trẻ cần phải thay đổi một số thói quen ăn uống, sinh hoạt.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lí, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Tránh việc thức khuya cũng như tạo điều kiện cho đầu óc được ngủ nghỉ.
- Hạn chế sử dụng các loại rượu, bia, thuốc lá, thuốc ngủ, những đồ ăn chế biến theo cách chiên, xào, rán…
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để tránh nguy cơ béo phì. Nếu không có thời gian để đến các phòng tập gym thì có thể đi bộ ngoài công viên, đạp xe, đi bơi, chơi cầu lông…
- Rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc sách báo, ghi chép lại những điều quan trọng, tăng cường giao tiếp xã hội, chơi trò chơi giải ô chữ...
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lí, ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt, chất đạm và nguyên tố vi lượng để làm chậm quá trình thoái hóa não.
- Tránh làm việc quá tải và nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý hơn. Thói quen làm việc quá áp lực là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng không nhỏ cho trí nhớ.
- Hạn chế thiếu ngủ. Ngủ ít khiến các tế bào não không được phục hồi đầy đủ nên trí nhớ bị gây hại ít nhiều.
- Hạn chế ôm quá nhiều việc cùng lúc sẽ khiến trí não xao nhãng và mất tập trung, lâu dần cũng gây suy giảm trí nhớ.
- Tăng cường nạp những thực phẩm tốt cho trí nhớ như các loại cá béo giàu axit Omega 3, trứng, hải sản giàu kẽm, các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C...
Nguyễn Sinh