Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân, chắc chắn hoạt động kiểm soát giết mổ sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Những năm qua, hoạt động quản lý các cơ sở giết mổ gặp không ít khó khăn, bất cập. Đơn cử như về quy hoạch giết mổ đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2012, sau 7 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế do điều kiện kinh tế, xã hội của TP đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là sự thay đổi về cơ cấu ngành nông nghiệp, chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, địa điểm quy hoạch được phê duyệt bố trí chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương nên số lượng các cơ sở giết mổ được hình thành đi vào hoạt động theo quy hoạch còn thấp.
Với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đã xây dựng và đi vào vận hành nhưng hoạt động chưa hiệu quả, đầu tư dây chuyền máy móc chưa đồng bộ, chưa gắn với chế biến, chưa hình thành được chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm thậm chí có một số cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc chuyển sang giết mổ tập trung để duy trì hoạt động.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung sử dụng nguồn chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, số lượng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được hưởng các chính sách hỗ trợ của TP, Trung ương còn ít. Các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chưa đồng bộ, hiệu quả, khó triển khai thực hiện. Thói quen tiêu dùng của người dân còn thích sử dụng thịt tươi sống; dễ dàng chấp nhận sử dụng sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm bán tại các chợ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, trong thời gian tới, để hoạt động kiểm soát giết mổ chuyển biến tích cực thì cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể, xây dựng “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung” theo yêu cầu của Luật Quy hoạch.
Rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ trên thế giới; các cơ sở giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của TP và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các huyện.
Đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP. Tích cực tìm kiếm, thu hút, giới thiệu và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch…
Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho việc triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch, đảm bảo thuận tiện trong việc gắn kết cơ sở giết mổ với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền quản lý của các cơ quan chuyên môn.
Tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP, tích cực chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.
Tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình. Tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…