Văn bản nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, UBND TP HCM đã có công văn số 2252 ngày 7/6 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác "Made in Vietnam".

Cục thuế yêu cầu các đơn vị này chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác hàng "Made in Vietnam" đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhập khẩu hàng từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo xuất xứ… trong đó tập trung hàng nhóm hàng tiêu dùng, thời trang.

Trước đó, để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP đã chỉ đạo các sở-ngành là thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo nhãn mác "Made in Vietnam" trên địa bàn.

tang cuong xu ly hang gia mao made in vietnam
Gian lận hàng hóa gây hại cho nguồn thu ngân sách Nhà nước và cho người tiêu dùng

Cục Hải quan TP được giao tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và các khu vực; tổ chức đấu tranh phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng giả... trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.

Công an TP tổ chức trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, chủ động lập chuyên án để triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm như nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng gắn nhãn mác "Made in Vietnam".

Cục Quản lý thị trường TP cũng được đề nghị phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm như nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác "Made in Vietnam" nhằm đánh lừa người tiêu dùng trong nước; kịp thời ngăn chặn hàng hóa tiêu dùng, thời trang giả mạo xuất xứ, nhãn mác…

Gần đây, phổ biến nhất là tình trạng hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng mượn xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, giày dép, quần áo, mỹ phẩm…

Hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên nhãn hàng hóa đã thể hiện "Made in VietNam", mã vạch, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu được các thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và nhập khẩu về Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là cơ quan hải quan, cơ quan thuế.

Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn "Made in Vietnam", cục hải quan các tỉnh, thành xác minh làm rõ.

Nếu có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hòa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính quy định của Chính phủ. 

Nguồn: https://tbck.vn/tang-cuong-xu-ly-hang-gia-mao-made-in-vietnam-40364.html

Theo tbck.vn