Tăng cường khả năng tự chủ và chống chịu của các ngành công nghiệp

Theo các chuyên gia, để Việt Nam hiện thực hóa được cam kết tại Hội nghị COP26, việc cần làm lúc này là quyết liệt các giải pháp nhằm tái cơ cấu lại nền kinh tế, phân định rõ trách nhiệm, cũng như định lượng cụ thể lượng giảm phát thải đối với từng bộ, ngành, địa phương… và bám sát chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế".

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư. Do đó, ngành sẽ triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh dựa vào sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái…

Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới, nhưng với những cam kết tại COP26, Việt Nam phải trở thành một “công xưởng xanh” - trung tâm sản xuất xanh của thế giới. Muốn vậy, phải thay đổi từ cách thức sử dụng năng lượng cho sản xuất, đến tạo ra sản phẩm.

Xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.
Xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng và trình Chính phủ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch đã cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho lộ trình phát thải ròng bằng 0.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, phục hồi hiệu quả sau Covid-19. Bên cạnh đó, cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tạo ra những cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, song cũng đặt áp lực không nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh để vượt qua những thách thức, đồng thời phát huy tiềm lực, tận dụng cơ hội, đưa đất nước trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đạt được các cam kết với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT cho rằng, tăng trưởng xanh mở ra cơ hội cho phát triển các ngành công nghiệp xanh mới, đó là các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường truyền thống, hàng hóa và dịch vụ carbon thấp.

Đồng thời, góp phần nâng cấp và hoàn thiện chuỗi giá trị, chuyển dịch từ ngành công nghiệp khai thác, sản xuất gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp sang ngành công nghiệp chế biến sâu, thâm dụng công nghệ đi kèm các ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng và khép kín chuỗi giá trị; góp phần làm tăng cường sức khả năng tự chủ và chống chịu của các ngành công nghiệp trước các cú sốc nguyên liệu (nguồn và giá), đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững

Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế không carbon, nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quốc tế và để chúng ta không bị để lại phía sau. Qua đó, nếu có các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường, cũng sẽ là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.

Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.
Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh...

“Tăng trưởng xanh thực sự đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp cụ thể như: Tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, sản xuất giúp giảm chi phí điện năng (cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt, máy biến tần…); đồng thời sử dụng hệ thống điện mặt trời giúp tận dụng nguồn năng lượng sạch, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng, tiết kiệm nước. Điều này cho phép các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá.

Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế (như Tiêu chuẩn ISO 14000) để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và hưởng thuế các suất ưu đãi. Bởi trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ, thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu.

Trong đó, Hiệp định CPTPP với một chương riêng về môi trường cùng các cam kết liên quan tới chính sách pháp luật về môi trường, trong đó có điều khoản liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên và xử lý chất thải từ quá trình đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Việc áp dụng mô hình sản xuất xanh rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản đáp ứng được các cam kết trên, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu.

Hay đối với ngành gỗ Việt Nam, việc Hiệp hội ngành gỗ ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ theo hướng phát triển bền vững, không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp đang giúp các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các quy định nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH Khóa XIII, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Việt Nam chúng ta đang thực hiện song hành kinh tế- môi trường và an sinh xã hội, với tinh thần lấy người dân là chính, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân… Điều kiện kinh tế hiện nay: Thay thế ngành hàng ô nhiễm, giảm ngành ô nhiễm sang năng lượng sạch.

PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH Khóa XIII, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng.
PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH Khóa XIII, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng.

Tại Nghị quyết 55 - Bộ Chính trị nêu rõ, tăng năng lượng tái tạo, giảm năng lượng độc hại. Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng còn một số vấn đề như phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện còn có những vấn đề chưa hài long. Về giải pháp cá nhân, tôi cho rằng, cần có quyết sách trồng rừng, tăng năng lượng tái tạo; Lấy nhân dân làm trung tâm; Chấp nhận quy luật và tìm ra giải pháp. Nêu cao vai trò của giới khoa học trong việc theo dõi giám sát từng ngày các giải pháp này.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang đối diện với nhiều áp lực: Phát thải carbon, ô nhiễm không khí, nguồn nước trong nội thành, ô nhiễm nước biển, ô nhiễm đất, ánh sáng, tiếng ồn... 

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

Theo tôi, chúng ta cần phát huy 3 nhóm: Nhà nước - cộng đồng doanh nghiệp - dân cư. Trong đó, Nhà nước đảm bảo hệ thống luật pháp, hỗ trợ chính sách thị trường, dịch vụ, đặc biệt đưa hoạt động kiểm toán môi trường, đưa kiểm toán môi trường để Nhà nước kiểm soát, phát động hiệp hội, doanh nghiệp và người dân thực hiện các chính sách thuế - phí môi trường. Vận dụng công nghệ, khai thác nguồn lực tự nhiên, quản lý giá bảo vệ môi trường, quan trắc, thu hồi nguồn thác thải từ phương tiện vận thải, phong trào trồng cây xanh cần phát huy. Vai trò thuộc về Nhà nước là chủ đạo, buộc doanh nghiệp và người dân thực hiện.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tang-truong-xanh-xu-the-tat-yeu-de-phuc-hoi-kinh-te-hau-covid-19-65484.html