Mỗi gia đường có một ngày tảo mộ quy định, thường là từ 20 đến 25 tháng Chạp, tức là trước tiết lập xuân.

Tảo mộ nghĩa là sửa sang mộ phần của người đã khuất và để cho con cháu nhớ đến tổ tiên, ông bà. Đến ngày tảo mộ, con cháu trong họ dù đi đâu xa, làm ăn nơi nào cũng quay về đất tổ để dự ngày tảo mộ.

Sáng sớm, phụ nữ thì ở nhà lo mâm cỗ, còn đàn ông, con trai mang dụng cụ như cuốc, xẻng, chổi, thùng, dao... ra khu nhà mồ tổ tiên. Thường thì mỗi họ có một trưởng họ chỉ huy việc tảo mộ, nhưng trưởng họ không phải là người dẫn đường, chỉ việc, mà con cháu tự giác tìm mộ và tu sửa, quét dọn, làm cỏ...

Trưởng họ vừa trực tiếp tham gia tảo mộ vừa giải thích thêm cho con cháu nhớ, biết là đang tảo mộ của ai, quan hệ thế nào và rồi vừa làm, vừa kể cho nhau nghe những kỷ niệm về người đã khuất...

Theo lời ông bà xưa kể, người Việt từ ngàn xưa đã có phong tục, hễ trong nhà có người thân qua đời là phải nhờ thầy địa coi đất. Đất hợp chỗ nào thì táng nơi đó nên người trong một họ mà mộ phần có thể cách xa nhau đến mấy cây số. Vì thế, nếu con cháu về không đông đủ thì việc tảo mộ có thể kéo dài cả ngày.

Nhưng có một điều là dù bận việc đến đâu, làm ăn khấm khá đến mức nào thì cũng tuyệt đối không được thuê người tảo mộ. Bởi đó được xem là việc làm bất hiếu của kẻ hậu sinh. Việc tảo mộ phải do chính con cháu trong họ thực hiện thì mới mang ý nghĩa của ngày tảo mộ.

Tảo mộ xong, con cháu trong họ về gia đường bày lễ dâng lên tổ tiên, cùng nhau xem phả hệ đồ, chúc phúc cho nhau để biết nguồn cội và cùng nhau dùng bữa cơm sum họp họ hàng. Đây cũng là dịp, bà con, anh em gặp gỡ, tâm sự những công việc trong năm và qua đó có thể giúp đỡ những người còn khó khăn trong họ.

Những ngày giáp tết thời tiết se lạnh. Ngày tảo mộ dù có mưa gió thế nào cũng không vì thế mà hoãn lại. Tờ mờ sáng 25/1 (tức 20 tháng Chạp), chúng tôi tháp tùng đoàn anh em dòng tộc họ Nguyễn đã có mặt tại khu mộ dòng họ Nguyễn nằm trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình. Có chứng kiến cảnh họ hàng con cháu sửa sang, chăm sóc mộ phần của người đã khuất mới cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa cao đẹp của việc tảo mộ.

Chú Nguyễn Minh Luân, ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) chia sẻ: “Hằng năm vào 20 tháng Chạp thì dòng họ Nguyễn theo phong tục được cha tôi và ông bà truyền lại là con cháu tụ họp về tảo mộ ông bà, tổ tiên. Tất cả con cháu phải cùng lần lượt tảo mộ từng khu vực để tường tận nguồn cội của mình”.

Có mặt tại phần mộ của ông bà mình, ông Nguyễn Thanh Hoàng, ngụ xã Thạnh Trị cũng ở huyện Gò Công Tây chia sẻ: “Tảo mộ là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ đến tổ tiên, ông bà, là một phong tục thiêng liêng của người dân Việt cần duy trì. Dự ngày tảo mộ là trách nhiệm của con cháu.

Năm nào cũng vậy, dù bận công việc thế nào tôi cũng tranh thủ về dự được ngày tảo mộ của tộc họ, tôi cảm thấy đây là bổn phận của thế hệ con cháu đối với tổ tiên và cần được duy trì truyền dạy lại cho thế hệ con em của mình noi theo…".

Theo Nông nghiệp Việt Nam