Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Lấn chiếm hồ, kinh doanh tại hồ Tây Mỗ
Hồ Tây Mỗ nằm bên phố Cầu Cốc thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ lâu đã bị một số hộ gia đình lấn chiếm để kinh doanh. Thậm chí, các nhà hàng, quán bia này không ngần ngại quảng cáo có không gian hướng ra hồ và thực tế khảo sát những đơn vị kinh doanh này đã lấn chiếm không gian công cộng làm lợi thế kinh doanh. Với việc có dự án của một tập đoàn lớn đang được triển khai ở phía đối diện phố Cầu Cốc, chủ các nhà hàng nhận định việc kinh doanh vi phạm pháp luật này sẽ còn “ăn nên làm ra” hơn nữa.
Qua khảo sát, việc lấn hồ Tây Mỗ nhằm mục đích kinh doanh, hưởng lợi cá nhân tại đây đã tồn tại từ 6 - 7 năm qua, với các công trình vi phạm nghiêm trọng có thể dễ dàng nhận thấy như Cầu Cốc quán, Nhà nổi Tây Mỗ... và người dân địa phương đã từng không ít lần được phản ánh tới UBND phường Tây Mỗ nói riêng và UBND quận Nam Từ Liêm nói chung, thế nhưng thực trạng việc lấn chiếm lòng hồ vẫn còn tồn tại.
Một chủ quán lấn chiếm diện tích hồ cho hay: “Trước nhà chị còn cả quán đối diện bên kia đường, cũng đua ra hồ nên đẹp lắm, ngày nào cũng kín khách. Sắp tới dự án xây dựng xong, dân từ dự án qua đây ăn nhậu lại càng tốt.”
Khi phóng viên (PV) hỏi về việc kinh doanh các quán lấn chiếm lòng hồ của Cầu Cốc quán (hiện đang treo biển cho thuê) và Nhà nổi Tây Mỗ, thì được chủ của Nhà nổi Tây Mỗ cho biết việc kinh doanh của cả 2 quán đều đã được 5, 6 năm. Để hoạt động được trơn tru, mỗi tháng các nhà hàng sẽ phải bỏ ra "một ít chi phí cho chính quyền", tuy nhiên chi phí được nói đến là gì, con số cụ thể bao nhiêu và lý do phải bỏ ra thì chủ quán từ chối trả lời do "mỗi quán một khác" và "khi nào mở quán thì khắc biết".
Đáng lo ngại là, không chỉ các hộ kinh doanh xây dựng công trình "xâm lược" lòng hồ mà cả các hộ gia đình sinh sống quanh hồ cũng tiến hành đổ đất lấn chiếm suốt thời gian dài. Có gia đình đã lấn chiếm ra hồ khoảng 2m. Thậm chí có gia đình còn dựng hẳn sàn nổi lấn ra hồ khoảng 3m để chiếm vị trí đắc địa.
Mặc dù tình trạng lấn chiếm hồ Tây Mỗ diễn ra đã lâu khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng, nhưng không hề thấy sự xuất hiện của cơ quan quản lý địa phương, dẫn đến tình trạng "lá phổi xanh" của quận Nam Từ Liêm bị "bức tử" từng ngày.
Thêm nhiều hồ nữa bị lấn chiếm...
Cùng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, tại hồ Song đường Quang Tiến, tiếp giáp khu vực gần Đại lộ Thăng Long (phường Đại Mỗ), cũng từng bị người dân phản ánh xảy ra tình trạng nhiều xe tải chở đất hoạt động ngày đêm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cư dân khu vực và môi trường. Hàng nghìn mét diện tích hồ đã bị san bằng, nhiều công trình kiên cố cao tầng đã được xây dựng kiên cố đã thành hình, không ít quán karaoke và một số hàng quán massage hoạt động rầm rộ.
Người dân địa phương cho biết: "Khu vực này ngày đêm xe vật liệu xây dựng rồi đất đá đi qua khiến đời sống của chúng tôi bị ảnh hưởng. Lòng hồ thì càng ngày càng thu hẹp lại, họ đua nhau lấn ra mở bãi giữ xe ô tô rồi xây nhà để cho thuê kinh doanh ở quanh hồ. Chúng tôi đang sống trong một cái công trường chứ không phải khu dân sinh. Người dân chúng tôi cũng đã phản ánh với chính quyền nhưng chưa thấy giải quyết."
Thuộc khu vực giáp ranh giữa phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và phường Mộ Lao (quận Hà Đông), hồ Ngòi Cầu Trại bị một số người dân lấn chiếm để sử dụng trái phép làm chỗ trồng rau, nuôi gà vịt, dựng lán trại ở, kinh doanh ăn uống, rửa xe. Hiện tại, diện tích san lấp lấn chiếm mặt hồ đã lên đến cả nghìn m2. Điều này làm phá vỡ cảnh quan chung của khu đô thị, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây mất an ninh trật tự khu vực.
Được biết, toàn bộ diện tích khu vực hồ Ngòi nằm trong quy hoạch dự án Ngòi - Cầu Trại đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Ngòi - Cầu trại tỷ lệ 1/500. Vì vậy, việc giữ nguyên hiện trạng khu vực hồ Ngòi để chuẩn bị cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án là điều cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại việc lấn chiếm hồ Ngòi Cầu Trại vẫn còn đó, tình trạng các hàng quán, công trình sai phạm lấn chiếm lòng hồ vẫn ngang nhiên tồn tại mà không hề thấy sự có mặt của chính quyền địa phương. Không những thế, rác thải sinh hoạt từ những dãy nhà trọ được trút thẳng xuống hồ đã dồn ứ lại khiến nước chuyển màu đen bốc mùi hôi thối gây mất vệ sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng CECR, giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Hiện số hồ còn lại khoảng 112, tổng diện tích mặt nước năm 2015 gần 7 triệu m2, giảm 72.500m2 so với năm 2010.
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng chia sẻ: “Thăng Long - Hà Nội là một thành phố sông - hồ”. Nói cách khác, sông - hồ là một trong những yếu tố đặc trưng của Hà Nội, mang lại cho thành phố bản sắc không phải thành phố nào cũng có được.
Chiếm 17% diện tích nội thành, các sông, mương và hồ ở Hà Nội nối với nhau thành chuỗi, tạo nên một hệ thống nhất. Hệ thống này đều có cấu trúc, hình thái không gian gắn liền với cấu trúc đô thị, nằm đan xen trong các khu phố cũ, khu chung cư cũ, khu đô thị mới… Hệ thống cảnh quan mặt nước trong đô thị đã trở thành bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong tổng thể đô thị và thể hiện văn hoá, lối sống người Hà Nội thời kỳ mới.
Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến năm 2016, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị san lấp để phục vụ xây dựng hoặc trở thành những bãi rác tự phát.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương cần kiên quyết hơn trong việc xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm "lá phổi xanh" của thành phố khi các hồ điều hòa trên địa bàn Thủ đô đang bị chính những người dân, hộ kinh doanh tại khu vực lấn chiếm một cách nghiêm trọng.