Coca-Cola đã từng sử dụng cách quảng cáo tương tự…
Đây là nhận định của chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập Truyền thông Trăng Đen về cách Coca-Cola sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” để quảng cáo cho nhãn hàng của mình khiến dư luận xôn xao.
Câu chuyện trở nên rắc rối và gây nhiều tranh cãi khi Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch “tuýt còi” Coca-Cola vì quảng cáo thiếu thẩm mỹ. Lúc này, mạng xã hội nổ ra một cuộc chiến khi một bộ phận ủng hộ Coca vì cho rằng từ “lon” rất bình thường, chỉ có những ai nghĩ bậy bạ mới thấy nó xấu và nhiều người ủng hộ quyết định của Cục Văn hóa cơ sở khi đã đưa ra được một phương án giải quyết tối ưu.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, quảng cáo lần này của Coca có rất nhiều điều đáng để bàn, nhưng dù theo cách nào thì họ cũng đã sử dụng truyền thông “bẩn” để đạt mục đích đánh bóng tên tuổi của mình. Cụ thể:
Đầu tiên, phải nói ngay rằng dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở có cơ sở và rất nên nhạy cảm với chữ “Mở lon Việt Nam”. Vì đúng như bà Hương nói, chữ này hoàn toàn có thể khiến người đọc - khách hàng bình dân, và cả sang trọng của Coca hiểu theo hướng thiếu thuần phong mỹ tục.
Thứ hai, nhãn hàng này đang cố tình sử dụng các ngữ nghĩa trong phần quảng cáo của mình. Bản thân Coca-Cola là đơn vị lớn, bộ phận truyền thông rất mạnh, hơn nữa họ có nhiều kinh nghiệm trong chiến dịch phải phù hợp với văn hoá, pháp luật của địa phương. Nên nếu ai đó nói rằng, nhãn hàng đã không lường được hậu quả khi sử dụng ngữ nghĩa là không đúng.
Thứ ba, Coca-Cola không phải "tay mơ". Nên nhớ trước đây, Coca-Cola đã có một chiến dịch truyền thông rất thành công "in tên lên lon" và làm hẳn một viral clip hát là "cái lon, cái lon" để cố tình gây tranh cãi. Coca-Cola cũng đã nhận được những phản ứng từ xã hội, rằng in từ lon có nghĩa như thế nào, vì vậy họ thừa biết phản ứng của dư luận.
"Bản thân từ “lon” không có gì xấu cả, thái độ chúng ta khi đọc chữ đó ra mới là xấu hay tốt. Nhưng cái cách mà Coca làm quá ở đợt này, tranh thủ sự ủng hộ của cư dân mạng, của truyền thông thì cá nhân tôi thấy là vô cùng bẩn thỉu", người sáng lập truyền thông Trăng Đen nhấn mạnh.
Qua những phân tích trên, anh Long rút ra kết luận, đây là hành động đi trên dây của Coca-Cola. Họ muốn làm chương trình tạo ra sự tranh cãi và không chỉ có nhãn hàng Coca muốn làm vậy, rất nhiều nhãn hàng đã dùng chiêu này và chấp nhận rủi ro.
Tên Tổ quốc rất thiêng liêng… không thể lấy ra làm trò đùa
Ngoài yếu tố thuần phong mỹ tục, anh Lê Công Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Infore Technology cho rằng, "Mở lon Việt Nam" là một cụm từ hoàn toàn tối nghĩa. Nếu thực sự nó đa nghĩa thật thì lại là chuyện khác, đằng này "lon Việt Nam" là cái lon gì? Từ xưa đến nay chỉ có lon bia, lon nước,... chứ làm gì có "lon Việt Nam".
Là một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AL), anh Thành phân tích, xét trên phương diện xử lý ngôn ngữ trên máy tính, xét trên tư duy thông thường của con người và cả cách bộ não hoạt động, hãy hình dung, trong không gian ngôn ngữ, mỗi từ là một cây cầu. Các cây cầu nối với nhau và tại một điểm dừng chân bất kỳ ta có được ý nghĩa thích hợp nhất nằm trên con đường đi (thường là ngắn nhất) gồm các cây cầu ta vừa đi qua.
Nếu cần diễn đạt ý nghĩa nào đó nhưng gặp một cây cầu bị chắn, cấm không cho qua lại, để đảm bảo sự "ngắn nhất", tư duy sẽ đi sang cây cầu "song song nhất" và "gần đó nhất" để có được ý nghĩa tương tự. Cây cầu "l…n" ở đây bị chặn, chỉ dùng trong giao tiếp dân gian suồng sã, nên trong đầu mọi người, ý nghĩa sẽ dễ dàng chạy qua cây cầu "lon" ở bên cạnh, mặc dù nó được dựng ra cho việc khác, để sao cho "mở lon Việt Nam" có ý nghĩa thích hợp, thường thấy, tối ưu nhất.
Với cách phân tích như trên, cụm từ "Mở lon Việt Nam" sẽ khiến trong đầu rất nhiều người nghĩ sang ý nghĩ xấu. Lợi dụng tâm lí này của con người là một trò xưa cũ, người ta hay dùng để nghịch ngợm ngôn ngữ và kể chuyện tiếu lâm.
Ngoài ra, theo chuyên gia Thành, có một điều chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đó chính là hai từ “Việt Nam”: “Tên Tổ quốc là một thứ thiêng liêng để cả trăm triệu người tự hào khi nhắc đến, không phải là từ để Coca-Cola làm marketing vô đạo đức chạy theo phong trào của Durex lấy ra làm trò đùa".
Trước cách làm lợi dụng truyền thông và dự luận để đạt mục đích của Coca-Cola, vị chuyên gia này quyết định bỏ thứ thức uống vô bổ, gây bệnh tật đó.
Ngay sau khi nhận được thông báo của Cục Văn hóa cơ sở, Coca-Cola đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.
Hiện tại, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới.
Vậy cuối cùng Coca-Cola bị thiệt hay được lợi?
Theo luật sư Nguyễn Sỹ Anh, chuyên viên pháp chế Công ty luật L&P, hãng Coca-Cola chắc chắn được lợi. Về góc độ cơ quan Nhà nước thì họ đúng, đưa ra cơ sở xử phạt dựa trên những quy định của pháp luật. Còn về góc độ của Coca-Cola chỉ mất một số tiền cực kỳ nhỏ so với lợi nhuận thu lợi về, như một hạt muối bỏ vào biển.
“Có thể Coca-Cola bị một số bộ phận chỉ trích, nhưng chúng ta thấy ngay được nó đã được mọi người truyền thông “miễn phí” về PR hình ảnh, quảng cáo,… trên mạng xã hội và giữ được vị thế của thương hiệu của mình so với đối thủ”, luật sư Anh nhận định.