Như “một lời hẹn trước”, cứ đến những ngày cận Tết là bà Trần Thị Quốc Khánh- Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Tổng biên tập và phóng viên, biên tập viên báo Pháp luật và Xã hội lại có chuyến thiện nguyện đến các Trung tâm bảo trợ xã hội. Năm nay địa chỉ của đoàn đến là Trung tâm bảo trợ xã hội IV, thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Bà Trần Thị Quốc Khánh tặng quà cho trẻ em Trung tâm bảo trợ xã hội IV |
“Gia đình lớn” của 309 mảnh đời thiếu may mắn nằm ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội, dù đã 26 Tết nhưng dường như Tết vẫn đang ở ngoài phố phường. Tết vẫn chưa hiện lên trong những bộ quần áo mới của những đứa trẻ, Tết chưa đến trong câu chuyện của những người già bên bếp lửa trong hơi ấm của nồi bánh chưng.
Với họ, có lẽ dù ngày Tết hay ngày thường thì những đôi mắt đen tròn của những đứa trẻ hay đã nhòa đi của người già ngày nào cũng ngóng ra cổng, chờ đợi một phép màu bình thường nhất mà đời người đáng ra ai cũng được hưởng, đó là tiếng gọi của người thân.
Đoàn thiện nguyện chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo Trung tâm |
Vậy mà, có những cụ đã chục năm trời không có người thân gọi. Có những đứa trẻ vào Trung tâm bé tẹo giờ sắp trưởng thành chỉ biết tấm tức gọi “mẹ ơi” mà chưa khi nào được đáp lại “mẹ đây con”. Giờ, trên đôi môi của họ là ba từ quen thuộc “cán bộ ơi”.
Và, tôi không thể hình dung được 76 cán bộ của Trung tâm, nói như bà Phạm Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm là “nghề chọn người” đã vượt lên những khó khăn như thế nào để hoàn thành tốt công việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 309 mảnh đời thiếu may mắn này. Bởi, chỉ một điều đơn giản thôi, họ sẽ phản ứng sao khi những đứa trẻ khóc gọi mẹ, khi những người bệnh rên rỉ vật vã trong cơn đau và tiếng ho sùng sục xuyên đêm của người già.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh "Cảm ơn các cán bộ Trung tâm, các anh chị đã và đang bù đắp phần nào cho những mảnh đời thiếu may mắn này" |
Nhưng có một điều chắc chắn, họ hạnh phúc. Hạnh phúc khi mỗi sáng đưa các cháu từ Trung tâm đến lớp học như đưa con mình. Họ vui mừng khi các cháu khoe được cô giáo cho điểm cao và họ chạnh lòng trước sự thật, bố mẹ họ ốm đau thì chỉ có ngày nghỉ được ở bên chăm sóc, còn người của Trung tâm nhập viện thì phải thay phiên nhau có mặt.
Lại lẩn thẩn nghĩ, tiền công thuê giúp việc chăm bệnh nhân ở các bệnh viện ngày thường 400 ngàn/người/ngày. Những ngày Tết thì 1 triệu/người/ngày. Năm 2018, Trung tâm có 261 lượt người được đưa đi khám, điều trị tại các bệnh viện mà cán bộ Trung tâm vẫn chăm sóc các đối tượng của Trung tâm như người thân. Nếu chỉ nghĩ đến tiền thì họ không thể làm được công việc “nghề chọn người” này.
Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên TBT báo Pháp luật và Xã hội "mong sao những tấm lòng thiện nguyện được nhân lên để sẻ chia, mọi nơi, mọi người cùng có Tết" |
Có lẽ quá hiểu điều đó mà bà Trần Thị Quốc Khánh đã liên tục nói lời cảm ơn đến cán bộ Trung tâm đã không quản ngại vất vả, khó khăn, thiệt thòi luôn tận tâm nuôi dưỡng, chăm sóc những mảnh đời thiếu may mắn này. Bởi, “chúng tôi có đến thăm thì cũng chỉ trong chốc lát, còn các anh chị gắn bó bên họ một năm 365 ngày. Cuộc đời họ thiếu may mắn, các anh chị đang bù đắp cho họ”.
Bà Trần Thị Quốc Khánh cũng lặng đi giây lát khi được biết, chế độ cho các cháu dưới 4 tuổi được hưởng 1.750 000/người/tháng. Từ 4- 16 tuổi và các cụ trên 60 tuổi được hưởng 1,4 triệu/tháng. Còn các đối tượng từ 16- 60 tuổi chỉ được hưởng 1.050.000/ người/tháng. Không biết với số tiền đó, Trung tâm sẽ xoay thế nào để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho các đối tượng?
Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhất nhưng đều chạm vào tận cùng của nỗi đau |
2- Tết chưa đến Trung tâm nhưng đã sầm sập ngoài ngõ. Những phần quà mà đoàn thiện nguyện đem đến gồm 190 bánh chưng, 100 cây giò lụa, 25 thùng sữa, 6 thùng xúc xích, 32 gói mứt, 300 gói kẹo...dẫu chỉ là hương vị Tết, nhưng nói như bà Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm “mọi người dù bộn bề với công việc vẫn nhớ đến những mảnh đời bất hạnh”.
Nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật và Xã hội Nguyễn Văn Bình mấy ngày trước đã tất bật chọn mua từng hộp bánh, gói kẹo, giờ lại luôn tay chia quà nhưng vẫn không quên vỗ vai “Sơn ơi, đừng hỏi gì họ nhé. Tội lắm”.
Mà đúng. Hỏi gì bây giờ, tên tuổi, quê quán, còn người thân không? Vào Trung tâm khi nào...? Toàn câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại chạm vào tận cùng nỗi đau.
Nhưng khi chị Phương Tâm, Bí thư Đoàn thanh niên Sở Tư pháp Hà Nội ôm chầm lấy cháu gái chừng 10 tuổi thì tôi sững lại. Con ạ, chú không hỏi tên con, chú buộc phải chọn một góc máy để mái tóc che khuất những giọt nước mắt đang lăn trên gương mặt thiên thần của con. Chú không biết nước mắt con và nước mắt chị Phương Tâm nước mắt nào đớn đau, xa xót hơn. Nhưng có lẽ những giọt nước mắt của chị Phương Tâm chỉ là bất chợt, còn những giọt nước mắt của con đã và sẽ rơi dọc cuộc đời. Và chú biết, khi đọc đến đây các ông bố bà mẹ sẽ quờ tay ôm chặt lấy con mình. Con đau đáu, khát khao một vòng tay như vậy lắm, đúng không? Chú tin và con luôn tin một ngày nào đó “điều không thể sẽ trở thành có thể”...
Chú không biết giọt nước mắt của con và giọt nước mắt chị Phương Tâm, giọt nước mắt nào đớn đau, xa xót hơn... |
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng, đến trường, những người già được chăm sóc chu đáo. “Gia đình lớn” của họ không chỉ đã và đang bù đắp phần nào mất mát cho những mảnh đời thiếu may mắn mà còn gieo những điều nhân nhân ái trong mỗi con người ở nơi đây. Để rồi, có những em trưởng thành ra khỏi Trung tâm, lòng luôn đau đáu nhớ về nơi đã cưu mang nuôi dưỡng mình như em Bùi Tuấn Hải quê ở Lào Cai đã học nghề làm bánh và mở 2 cửa hàng bánh mang tên mình, ngày lễ, Tết nào cũng mang quà đến Trung tâm, Hải cũng sẵn sàng đón nhận các em ở Trung tâm về tiệm bánh của mình làm việc.
Lên xe rời Trung tâm, tôi bị ám ảnh bởi những đôi mắt dõi theo. Những ánh mắt không chỉ hẳn đưa tiễn mà có lẽ là chờ đợi nơi cổng Trung tâm. Ai sẽ bước vào khi đoàn xe dần khuất? Ai sẽ được nghe tiếng gọi “con ơi”, ai sẽ được nghe tiếng gọi “bố ơi, mẹ ơi”?
Và bất chợt chị Trà Giang, Trưởng văn phòng Công chứng Trà Giang- người đã lựa mua 100 bánh chưng, 100 cây giò đem đến Trung tâm lần này khe khẽ hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì anh biết không...”. Đó không đơn thuần là một câu hát mà như lời hứa với chính mình, như một lời hẹn cho những chuyến đi thiện nguyện tiếp theo.
Dưới đây là một số hình ảnh của đoàn thiện nguyện:
Theo Hùng Sơn- PL&DS