Dọn nhà thấy kim cương
Nghề dọn nhà, giúp việc nghe có vẻ tẻ nhạt vì nó lặp lại giống như một cái máy nhưng đến khi tôi nói chuyện với chị L.T.Thảo (52 tuổi), quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ, người chuyên giúp việc theo giờ ở Hà Nội mới biết nghề này cũng gặp rất nhiều chuyện lạ và có những nỗi niềm khó nói.
Chị Thảo vui vẻ cười nhớ lại năm ngoái, chuyện như đùa mà hóa ra lại thật, đó là khi dọn nhà cho khách ở khu biệt thự Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) thì chị thấy nhẫn kim cương bị chủ nhà “lãng quên”.
Khi đến làm việc, chủ nhà đã yêu cầu chị Thảo và chị bạn đi cùng vừa dọn nhà, vừa xếp lại đồ đạc giúp họ. “Mình cũng làm bình thường thôi, nhưng đến khi lau cái bình cắm hoa bằng gỗ trong phòng bà chủ nhà thì “kim cương mới tòi ra”. Ôi thần linh ơi, trong cái lọ ấy có hẳn 1 cái nhẫn, 2 dây chuyền vàng. Khi đó có biết là kim cương đâu, đến khi gửi lại cho bà chủ nhà thì họ cũng mới tá hỏa nhớ ra đã từng mất nhẫn kim cương hồi giữa năm”, chị Thảo nói.
Theo như chị Thảo, nếu không đưa lại chiếc nhẫn thì chắc chủ nhà cũng quên mất số tài sản lớn đó, do bà chủ đoảng, lại có tính hay quên.
“Nghe họ nói thì nhẫn đó chắc đắt lắm. Đúng là nhà giàu có khác, mất kim cương cứ như mất hột mít ý cô nhỉ. Họ cũng gửi tôi một ít tiền cảm ơn và bảo tôi qua làm người giúp việc cho họ nhưng khi đó tôi đang giúp việc theo giờ cho 2 nhà khác nên không nhận lời”, chị Thảo tặc lưỡi nói.
Dọn nhà là một trong những công việc được cho là hốt bạc trong dịp Tết.
Nói đến đây, chị Thảo tự dưng im lặng như suy tư điều gì đó rồi lại kể tiếp. Đối với người làm nghề dọn nhà thuê ngày tết đã được 6 năm như chị thì câu chuyện thấy tiền khi dọn nhà cho khách không hiếm gặp, nhưng thấy kim cương thì lần đầu tiên. Nhưng nhiều khi cũng gặp những trường hợp khác mà cũng chỉ dám ước… giá như…
“Cô biết không, người ở quê nghèo, chắt bóp từng đồng lên Hà Nội làm thuê nhưng thấy nhiều nhà cẩu thả, nhét tiền mọi nơi, từ dưới gầm giường, gầm tủ, nhét kẽ ghế sô pha, chỗ để giầy,… Thấy vậy thì mình cũng gom lại giúp họ, thở dài rồi làm việc tiếp chứ chẳng biết làm thế nào”, chị Thảo nói.
Lần chị xót ruột về tiền nhất là khi dọn nhà cho một khách hàng ở Đống Đa, Hà Nội thì thấy đằng sau tủ một cọc tiền hơn 30 triệu đồng bị chuột gặm nhăm nhở. Đưa lại cho chủ nhà thì bà vợ lườm ông chồng rồi họ lao vào chửi nhau luôn.
Sau đó, chị còn hào hứng kể thêm những câu chuyện thú vị khác, nhưng tôi nhận ra, trong lời nói và đôi mắt hằn những vết chân chim của người đàn bà làm nghề dọn nhà thuê cho thiên hạ ấy chứa đựng cả những nỗi buồn sầu tủi, ấm ức không nói nên lời.
Công việc dọn nhà như làm dâu trăm họ
Sau nhiều năm làm nghề, chị Thảo và những bạn bè của mình đã đúc kết rằng, công việc lau dọn nhà như làm dâu trăm họ. Chủ nhà trả tiền thuê nên họ chỉ sao phải làm vậy, nhiều khi bị ăn chửi cũng phải chịu rồi làm tiếp. “Vì miếng cơm manh áo, vì một cái Tết đầy đủ cho con thôi, chứ ai chẳng muốn được sung sướng chứ”, chị Thảo chia sẻ.
Đối với nghề này, người nào gặp được nhà sạch sẽ thì dọn nhanh, nửa ngày là xong, nhưng với những nhà ở lâu, đông người, nhất là nhà tầng thì mất rất nhiều công sức, giá tiền vẫn vậy, nên người dọn nhà phải dùng mẹo mới đánh bay được hết vết bẩn.
“Sờ đến đâu cũng thấy bẩn, đánh cọ mãi có khi hai, ba ngày mới xong, khiến hai tay đau nhức, đỏ lừ. Có những lúc dọn nhà kho cho khách thấy mấy ổ chuột con đỏ hỏn nhung nhúc. Chúng cắn và tha lôi rác ra mọi ngóc ngách. Rồi còn dọn phân mèo, phân chó của thú cưng chủ nhà nuôi nữa… ”, chị Thảo than thở.
Công việc lau dọn nhà như làm dâu trăm họ.
Ngoài những lúc dọn dẹp thuận lợi, họ cũng gặp không ít những lần phải buồn phiền, tủi nhục. Vào một ngày cuối năm, chị Thảo đi dọn nhà cho khách thì gặp phải cảnh 2 vợ chồng cãi nhau vì Tết nội, ngoại. Chị vợ muốn về nhà ngoại vào chiều mùng 2, anh chồng không đồng ý vì cả năm về mới về nhà nội được 2, 3 lần.
“Lúc thấy họ đánh nhau to thì tôi khuyên ngăn, ai dè, bị họ vung tay trúng cả vào mặt mình. Xong được cả đôi vợ chồng quay sang chửi, “việc nhà bà sao mà xía vào”. Lúc đó vừa ức, vừa điên tiết, tôi chửi họ một lúc rồi bỏ về luôn”, chị Thảo ấm ức nói.
Những trường hợp bị chủ nhà đối xử không tốt đối với những người dọn nhà như chị Thảo không phải là hiếm nhưng họ vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt, tiếp tục công việc để kiếm tiền cho gia đình, con cái. Đối với đa số những người này, ngoài nghề đó họ cũng không biết phải làm gì để có thể trang trải cuộc sống.