FDI “lá phiếu” vì một Việt Nam thịnh vượng
Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay đã có 136 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với vốn đầu tư trên 400 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa, đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội góp phần xoá đói giảm nghèo.
Không những vậy khu vực FDI còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đưa hàng hoá made in Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI…
Tuy nhiên, mặc dù FDI đã hiện diện được 1/3 thế kỷ - quãng thời gian đủ cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên thành con rồng, con hổ nhưng FDI chủ yếu gia công mà chưa tận dụng được sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao. Đáng lưu ý, một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng…
Với tư cách là người có hơn cả thập kỷ gắn bó với ngành ngoại giao, chứng kiến "thăng trầm" của làn sóng FDI vào Việt Nam, tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” vừa qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tính đến 12/2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI Việt Nam đã có 33.070 dự án với vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước và số thu nộp ngân sách nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù, tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Đây chính là “lá phiếu” ủng hộ Chính phủ, bộ ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính hiện đại, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chung tay vì một Việt Nam thịnh vượng", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng.
Cùng với đó, vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các nguồn tài nguyên của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiệu quả và bền vững…
Vì thế, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới phải có chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài còn gặp khó khăn do những tác động từ đại dịch Covid-19…
Để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định, cải thiện chất lượng thể chế cũng như khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, góp vốn với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi tuân thủ đúng tiêu chí.Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, nâng cao tính cạnh tranh.
Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu… Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
FDI là động lực ngoại rất quan trọng nhưng Việt Nam chưa biết tận dụng
Vốn là một chuyên gia kinh tế chứng kiến những "bước đi chập chững" của FDI khi mới vào Việt Nam, trong mắt TS Trần Đình Thiên, FDI là 1 trong 2 động lực ngoại rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong mấy chục năm qua nhưng không phải lúc nào cũng phát huy được tốt, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Thiên, những yếu tố lớn tác động đến FDI chúng ta đều biết. Một là, cách mạng 4.0 đòi hỏi xu thế chuyển dịch dòng vốn FDI, điều này cũng quyết định đến việc lựa chọn FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ.
Hai là, Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập sâu, các quan hệ quốc tế, liên kết quốc tế cũng dần ảnh hưởng rất mạnh đến FDI, thậm chí ảnh hưởng rất nhiều.
Liên kết quốc tế mấy năm vừa rồi có nhiều thay đổi, cùng với xung đột thương mại, dịch chuyển FDI cũng đang là xu thế và có sự thay đổi, đặc biệt ở châu Á trong 3- 4 năm vừa rồi có sự dịch chuyển bất thường, đặc biệt là từ Trung Quốc, dự kiến còn tiếp diễn ra sẽ tác động đến tư duy về FDI của các quốc gia và Việt Nam.
Ba là, Covid-19 cũng buộc chúng ta phải định hình lại các dòng đầu tư, cùng công nghệ giúp con người khắc phục, dẫn đến cách định hình lại FDI đang diễn ra. Việt Nam đã nhận diện khá rõ các vấn đề này, tuy nhiên có 3 điểm cần lưu ý, đó là lực, đà và thế. Ba yếu tố này đang đặt Việt Nam vào cách tiếp cận FDI khác, mà nếu bỏ quên sẽ khó nhận diện vị thế.
Bốn là, cần bàn đến các địa phương, thông điệp của Chính phủ mới là nhấn mạnh hơn trách niệm và vai trò của địa phương trong việc chịu trách nhiệm của địa phương mình trong thu hút các FDI, ông Thiên nói.
Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng
Theo TS Vũ Tiến Lộc, cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ USD nếu không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam…
Bên cạnh đó, cần chú trọng quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, nên chăng có luật phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Những năm gần đây, xu hướng quy mô trung bình của doanh nghiệp FDI nhỏ lại cho thấy các doanh nghiệp hỗ trợ vệ tinh dây chuyền lắp ráp dịch chuyển vào Việt Nam càng nhiều. Bản chất dịch chuyển chuỗi cung ứng hỗ trợ là cần thiết nhưng nếu chỉ có xu hướng này mà mang toàn bộ doanh nghiệp vệ tinh vào để khép chuỗi giá trị của họ thì không tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị được. Do đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam, tham gia thúc đẩy để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chứ không chỉ có doanh nghiệp FDI làm.
Với góc nhìn khách quan hơn, ông John Rockhold - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chú ý đến việc Việt Nam đang xem xét phi carbon hóa cùng các dự án hạ tầng lớn.
Theo ông John Rockhold, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ cần tới số vốn khoảng 150 tỷ USD.
"Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam mong muốn hỗ trợ Việt Nam điều nghiên và khảo sát để giải quyết các vấn đề đặt ra. Phi Carbon hóa sẽ cần phải làm nhiều điều nhưng cũng tạo ra cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho Việt Nam".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của EuroCham là nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn châu âu cho từng địa phương, cho từng doanh nghiệp.
Về vốn đầu tư, vốn từ châu Âu là nguồn vốn có chất lượng, tiên tiến và hướng tới bảo vệ môi trường. Các chỉ số đầu tư tại địa phương và nguồn lực nhân lực cao sẽ là những yếu tố có lợi thế thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư... ông Minh nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/tham-gia-chuoi-cung-ung-viet-nam-moi-co-the-thu-hut-150-ty-usd-von-fdi-trong-10-nam-toi-post130177.html