Bội thu ngân sách khoảng 69.600 tỷ đồng
Theo WB, trong tháng 1/2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có đà tăng trưởng và hồi phục, sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19. Trong đó, một số chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu, FDI vẫn là điểm sáng thị trường.
Cụ thể, trong tháng 1/2021, dù kim ngạch xuất của Việt Nam có xu hướng chậm lại so với tháng 12/2021, thế nhưng thương mại Việt Nam vẫn có thặng dư 1,4 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng vững chắc, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Mỹ. Trong khi đó các mặt hàng điện tử lại có chiều hướng đi xuống.
Về FDI, trong tháng 1/2021, Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm ngoái. Mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động.
Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD (tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký).
Vốn đăng ký chủ yếu vẫn là vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 60%), tiếp theo là bất động sản (22,5%). Sau khi giảm mạnh trong quý III năm 2021, giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 1/2022.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 13% dự toán, trong khi chi ngân sách chỉ đạt 6,4% dự toán, dẫn đến bội thu ngân sách khoảng 69.600 tỷ đồng (3,1 tỷ USD) trong tháng 1/2022.
Đầu tư công giảm 14,0% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh hơn, tăng gần 25% so cùng kỳ năm trước.
Kho bạc Nhà nước (KBNN) dự kiến sẽ huy động 400.000 tỷ đồng (17,6 tỷ USD) trong năm 2022 trên thị trường trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ bằng nội tệ.
Đến cuối tháng 1, KBNN đã phát hành 23.100 tỷ đồng trái phiếu, đạt 5,8% kế hoạch. Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ chi phí huy động vốn ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp ổn định ở mức 2,08% vào cuối tháng 1.
Trái ngược với các thông tin tích cực nêu trên, tăng trưởng sản xuất công nghiệp có xu hướng suy giảm, còn 2,4%. Trong đó, các mặt hàng điện tử, quang học giảm tốc mạnh nhất.
Nguyên nhân khiến chỉ số sản xuất các mặt hàng điện tử, quang học giảm sút do nhu cầu đang chững lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện tử, quang học cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Bước đầu triển khai phục hồi kinh tế
Theo WB, trong tháng 1/2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới giai đoạn 2022-2023 được khởi động. Trong đó, tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.
Về thu ngân sách, biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng, phản ánh thành công đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này.
Bên cạnh đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết các lĩnh vực, tương đương giảm thu từ thuế VAT khoảng 0,6% GDP đánh giá lại. Tất cả các biện pháp về thu ngân sách sẽ được triển khai trong năm 2022.
Các biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP đánh giá lại) chủ yếu bao gồm đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đầu tư công (1,6% GDP đánh giá lại) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phần lớn các hoạt động đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022.
Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể (khoảng 0,1% GDP đánh giá lại) và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ để người lao động quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, và các khu vực kinh tế trọng điểm: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho dự kiến khoảng 4,0 triệu người lao động đủ điều kiện.
Nguồn: https://congluan.vn/ngay-trong-thang-1-2022-viet-nam-boi-thu-ngan-sach-khoang-69600-ty-dong-post181823.html