Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” tổ chức sáng 26/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật.
Thời gian qua, ngoài quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 thông tư về thanh toán và tín dụng. Trong đó, có thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường). Cùng với đó, từ ngày 1/9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng.
Quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần 1 ứng dụng thanh toán đa dạng từ vé xem phim, ăn uống… Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai).
Về mặt giá trị, giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh, cụ thể: đến 31/12/2021, giao dịch toàn hệ thống thẻ đạt gần 1,6 tỷ món, tương đương 4,44 triệu tỷ đồng; đến 31/12/2022, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 2,2 tỷ món, tương đương 4,86 triệu tỷ đồng (tăng lần lượt 39,12% về số lượng và 9,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); đến tháng 7/2023, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ đồng (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022).
Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch 35% các hình thức thanh toán.
TS Cấn Văn Lực phân tích, chúng ta đang nhanh hơn khu vực (châu Á - Thái Bình Dương chỉ xoay quanh 20- 25%). Vì sao lại như vậy? Chúng ta phải nhìn thấy nhờ cơ chế chính sách thúc đẩy của Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua. Bên cạnh đó, ở Việt Nam cho phép các hình thức thanh toán tương đối khác nhau, đa dạng như: thẻ, ví điện tử, mobile…
Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt nói chung. Dẫn số liệu, ông Lực cho hay, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47%, tương đương Indonesia. Như vậy, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ 30%.
Hiện nay, giới trẻ đa số ưa thanh toán không tiền mặt, "sính nhất" QR code, ví điện tử. Đây là bài toán thách thức với thẻ. Thẻ nằm trong hệ sinh thái, vai trò, vị trí của thẻ giữ ở đâu và thế nào? Cơ quan nhà nước sẽ định vị. Chúng ta nên tham khảo Ấn Độ, Trung Quốc là 2 mô hình thú vị. Muốn phát triển thẻ nội địa, trong đó có thẻ tín dụng nên cân nhắc.
Trong nước, ông Lực cho hay, hành lang pháp lý, định hướng của Ngân hàng Nhà nước rất rõ, nghị định, thông tư rất rõ về thanh toán không tiền mặt, tuy nhiên cần phải làm nhanh hơn.
“Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng, cũng là cơ hội giúp cho Chính phủ chống tham nhũng. Đây là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai” - TS. Lực nhấn mạnh.
Chia sẻ về tiềm năng phát triển thị phần và sản phẩm thẻ phục vụ nhóm khách hàng trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Vietcombank cho biết, sản phẩm của Vietcombank đáp ứng sự yêu thích tự do và thể hiện cá tính của giới trẻ Vietcombank luôn theo đuổi định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm và cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ để phục vụ nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Trong đó, nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách hàng trẻ chiếm hơn 50% tập khách hàng trung cấp của Vietcombank.
“Nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Do đó, Vietcombank chú trọng vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng để đáp ứng những nhu cầu riêng của nhóm này trên tất cả các kênh, đặc biệt kênh số” - bà Oanh nhấn mạnh.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thanh-toan-khong-tien-mat-thanh-toan-the-da-len-loi-vao-doi-song-hang-ngay-109730.html