Đó là lời bộc bạch của ông Nguyễn Đình Toàn (sinh năm 1969), Tổ trưởng tổ quản lý, Phòng Y tế - Tiếp nhận - Quản lý đối tượng, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) khi chia sẻ về hành trình gần 30 năm gắn bó, chăm sóc người già, trẻ em lang thang.

Ông Nguyễn Đình Toàn (người đứng) hướng dẫn người cao tuổi giữ gìn vệ sinh để phòng, chống dịch Covid-19.

Chăm sóc đối tượng yếu thế như người thân

Là người giản dị, khiêm nhường, hành động thay lời nói, nên mặc dù được người già thương yêu như con, trẻ em kính trọng như người cha, đồng nghiệp nhất mực quý mến, cấp trên tin tưởng, UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019, nhưng ông Nguyễn Đình Toàn luôn cho rằng “Đó là thành tích của tập thể, cá nhân tôi chỉ làm những việc thấy cần làm, nên làm mà thôi”. Và trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Toàn luôn lấy những câu chuyện, hoàn cảnh đáng thương về người già lang thang, cô đơn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng làm “chủ đề” chính. Đây cũng là những đối tượng được ông quan tâm, chăm sóc nhiều năm qua bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu thương.

Năm 1990, sau khi xuất ngũ trở về địa phương (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì), ông Toàn khởi nghiệp bằng nghề mộc. Vốn khéo tay, hay làm, năm 1991, ông Toàn được giới thiệu vào dạy nghề mộc cho trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội. Ngày ngày tiếp xúc với những hoàn cảnh kém may mắn, đã giúp ông Toàn hiểu rõ “điều đáng quý nhất trong cuộc sống là tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa con người với con người”.

Với mong muốn góp phần bù đắp sự thiệt thòi cho trẻ em lang thang, mất nguồn nuôi dưỡng, trong 19 năm dạy nghề mộc (1991-2010), ông Toàn luôn tận tâm, tận tụy trao truyền kiến thức, kỹ năng nghề của bản thân cho các học trò; đồng thời, lắng nghe trẻ em chia sẻ mọi chuyện vui, buồn như người anh, người cha trong gia đình. Nhờ thầy Toàn truyền nghề, động viên, khích lệ, nhiều trẻ em từng sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Anh Nguyễn Vinh Tuấn, một trong những người được ông Nguyễn Đình Toàn truyền nghề và hiện là chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ tại phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Thầy Toàn thường khuyên nhủ, phân tích để chúng tôi tự nhận thức: Con người không thể lựa chọn hoàn cảnh, nhưng có thể tự quyết định tương lai của chính mình. Suy nghĩ tích cực ấy là động lực giúp chúng tôi tự tin dựng xây cuộc sống. Khóa học nghề mộc đầu tiên của chúng tôi hiện có gần 20 người theo nghề và đều thành công với nghề này”.

Chuyển sang công việc mới là quản lý, chăm sóc người già từ năm 2010 đến nay, tấm lòng “thương người như thể thương thân” của ông Toàn tiếp tục được thể hiện, thông qua những việc làm thường nhật. Mỗi khi có đối tượng nào bị ốm, đau, ông Toàn nhẹ nhàng hỏi thăm sức khỏe từng người, ân cần bón cho họ từng miếng cơm, thìa cháo. Không may sức khỏe của đối tượng diễn biến xấu, ông Toàn cùng đồng nghiệp chăm sóc họ 24/24 giờ tại trung tâm cũng như ở bệnh viện. Thậm chí, khi người già cô đơn qua đời, ông Toàn cũng là người tự tay khâm liệm, rồi cùng với mọi người chuẩn bị hậu sự, đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

Quan sát thấy khu ở dành cho người già cô đơn còn thiếu một số trang thiết bị, ông Toàn đã nghiên cứu để chế tạo ra những thiết bị phù hợp, rồi tận dụng nguyên vật liệu cũ để lắp ráp hoàn chỉnh. Hiện sản phẩm do ông Toàn chế tạo được sử dụng thường xuyên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội là xà kép có tay vịn, giúp người già tập đi để phục hồi chức năng vận động và xe vận chuyển người bị liệt, giúp họ có cơ hội di chuyển… Với những người còn khả năng vận động, nhận thức, hằng ngày, ông Toàn hướng dẫn họ tập thể dục, tập vật lý trị liệu, tham gia hoạt động tập thể… “Chúng tôi coi cán bộ Toàn như người con, người cháu hiếu kính, nhanh nhẹn, tháo vát trong gia đình. Có bất kỳ việc gì cần trợ giúp, cán bộ Toàn luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Điều này giúp chúng tôi cảm thấy được an ủi lúc tuổi già”, cụ Lê Văn Tâm, phòng 2, nhà A4, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội chia sẻ.

Lan tỏa lối sống đẹp

Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội, đơn vị hiện đang nuôi dưỡng thường xuyên hơn 300 người già lang thang, cô đơn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trong đó tỷ lệ người già chiếm hơn 80%. Đại đa số người già sống tại trung tâm tuổi cao, sức yếu, hạn chế năng lực hành vi. Đặc biệt, khu nhà A4 - nơi ông Nguyễn Đình Toàn trực tiếp quản lý tập trung gần 40 người già nhất, yếu nhất, nên việc chăm sóc chu toàn cho các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có tấm lòng nhân ái sẽ không thể gắn bó lâu dài. “Vượt lên tất cả, ông Toàn cùng đồng nghiệp đã mang đến bầu không khí gia đình đầm ấm, yêu thương cho những người thiếu thốn tình thân. Việc làm này tuy giản dị, nhưng chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần lan tỏa lối sống đẹp trong Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội cũng như ngoài cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Bằng nói.

Chia sẻ về người đồng nghiệp đáng kính, anh Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên Phòng Y tế - Tiếp nhận - Quản lý đối tượng, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình ông Toàn rất khó khăn. Ông Toàn sống cùng bố, mẹ già và cụ ông không may bị tai biến, dẫn đến liệt cả người nhiều năm. Dù bận bịu với công việc ở cơ quan, ông Toàn vẫn cố gắng dành thời gian chăm sóc cụ ông cho đến khi cụ qua đời. Buồn hơn, người vợ tảo tần của ông Toàn mất sớm do tai nạn giao thông, để lại cho ông hai người con nhỏ. Khó khăn là thế, hằng ngày, ông Toàn vẫn luôn giữ nếp đến cơ quan từ rất sớm và rời trụ sở khi đồng nghiệp đã về.

Ngoài nhiệm vụ được giao, ông Toàn còn dành thời gian hướng dẫn trẻ em sống tại trung tâm học nghề mộc, chơi thể thao; giúp trung tâm sửa chữa các vật dụng, đồ dùng bị hỏng. Khi đồng nghiệp gặp khó khăn hay có việc bận phải nghỉ đột xuất, ông Toàn luôn sẵn sàng làm đỡ, trực thay… Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Toàn thường xuyên hướng dẫn các cụ già, nhắc nhở các cháu nhỏ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác hoặc đến nơi công cộng…

Cứ thế, những việc làm xuất phát từ tấm lòng nhân ái, sẻ chia, lối sống trách nhiệm, nghĩa tình của ông Nguyễn Đình Toàn đã góp phần mang đến niềm tin yêu vào cuộc sống cho những hoàn cảnh kém may mắn. Và phần thưởng lớn nhất mà ông Toàn nhận được đó là sự tôn trọng, quý mến của những người xung quanh.

Theo Hà Nội Mới