Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đang chật vật ứng phó với nắng nóng như thiêu đốt, với nhiệt độ ở nhiều khu vực của Mỹ, châu Âu và châu Á tăng cao kỷ lục trong những ngày qua.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) dự báo 25% dân số nước Mỹ đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt. Đồng thời, cảnh báo nắng nóng cực đoan đã được đưa ra đối với hơn 80 triệu dân tại Mỹ.
Các khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đến California, Tây Nam, Deep South và bang Florida được dự báo nắng nóng gay gắt. Cụ thể, các vùng hoang mạc ở Nam California, cùng với các bang Arizona và Nevada dự kiến ghi nhận nhiệt độ trên 46 độ C.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cũng cho biết nắng nóng kỷ lục trên diện rộng khả năng sẽ xảy ra khắp khu vực Tây Nam, phía Tây vùng duyên hải Vịnh Mexico, cũng như phía Nam Florida.
Canada, quốc gia láng giềng phía Bắc của Mỹ, cũng đang phải ứng phó với các đám cháy rừng nghiêm trọng thiêu rụi 10 triệu ha kể từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia dự báo cháy rừng sẽ tiếp tục hoành hành và gây thiệt hại trong mùa Hè này.
Trong khi đó, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ ghi nhận nền nhiệt trong khoảng từ 37,7-43,3 độ C.
Tại châu Âu, nắng nóng cực độ bao trùm nhiều nước trong 1 tuần qua. Thậm chí, Bộ Y tế Italy đã ban bố cảnh báo đỏ về nhiệt độ đối với 16 thành phố, trong đó có Rome, Bologna và Florence.
Người dân Italy đang phải đối mặt với cuối tuần nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ dự báo tăng lên 40 độ C ở Rome vào ngày 17/7 và 43 độ C vào ngày 18/7, phá vỡ kỷ lục 40,5 độ C được thiết lập vào tháng 8/2007. Các đảo Sicily và Sardinia có thể chứng kiến nhiệt độ lên đến 48 độ C, mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu.
Cơ quan Thời tiết Italy cảnh báo, quốc gia này chuẩn bị đối mặt với "đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa Hè và cũng là một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất từ trước đến nay.
Tại Tây Ban Nha, lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy rừng trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary.
Tính đến ngày 16/7, ít nhất 4.000 người đã phải sơ tán đến nơi an toàn do cháy rừng. Đám cháy thiêu rụi hơn 4.650 ha rừng và phá hủy ít nhất 20 ngôi nhà.
Lửa bùng phát vào rạng sáng 15/7 theo giờ địa phương tại khu rừng Puntagorda, phía Bắc đảo La Palma, buộc người dân tại các làng Puntagorda và thị trấn Tijarafe lân cận phải sơ tán.
Khoảng 300 lính cứu hỏa và 10 đơn vị không quân đã được huy động để khống chế đám cháy. Công tác dập lửa gặp khó khăn do gió mạnh và nắng nóng.
Tại Cyprus, giới chức y tế ngày 16/7 thông báo ca tử vong đầu tiên do sốc nhiệt tính từ đầu năm đến nay, khi đợt nắng nóng kéo dài sang ngày thứ 4 liên tiếp và Cục Khí tượng dự báo thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp diễn ít nhất 1 tuần nữa.
Theo giới chức y tế, một cụ ông 90 tuổi đã tử vong tại viện dưỡng lão. Hai người khác lần lượt 77 và 78 tuổi cũng phải nhập viện sau khi có các triệu chứng sốc nhiệt. Cyprus ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C trong vài ngày qua, cao hơn so với mức nhiệt thông thường khoảng 38 độ C vào mùa này.
Cục Khí tượng Cyprus báo cáo nhiệt độ lên tới 45 độ C trong ngày 14/7 và đã ban bố 3 cảnh báo màu cam liên tiếp khi nhiệt độ duy trì ở mức 43 độ C. Cảnh báo màu cam là mức nghiêm trọng thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 3 mức của Cyprus. Dự báo trong vài ngày tới, nhiệt độ sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 42 độ C.
Có thể thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra với tần suất thường xuyên hơn và cường độ mạnh hơn.
El Nino khiến cường độ bão trở nên mạnh hơn
Các nhà khoa học đã đưa ra nhận định, biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn.
Trái Đất đã nóng lên 1,1 độ C trên mức trung bình trước thời đại công nghiệp hóa vào thế kỷ 18. Các nhà khoa học tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ dự đoán rằng ở nhiệt độ ấm lên 2 độ C, tốc độ gió bão có thể tăng lên đến 10%.
Đại dương là nơi hấp thụ rất nhiều nhiệt lượng trong khí quyển, phần lớn nhiệt lượng nằm gần bề mặt. Sức nóng bề mặt này thúc đẩy cường độ của cơn bão và cung cấp năng lượng cho những cơn gió mạnh hơn. Hiện tượng El Nino đang xảy ra sẽ bổ sung nhiệt cho hành tinh của chúng ta vốn đã nóng lên do biến đổi khí hậu và khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn.
El Nino là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương mà thể hiện chủ yếu là hoàn lưu khí quyển với nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương, sự thay đổi của một phía sẽ gây ra phản ứng của phía kia.
Cơn bão Talim hình thành trên khu vực Thái Bình Dương, nơi mà nhiệt độ nước biển ấm lên do hiện tượng thời tiết El Nino. Điều này có thể khiến Talim sẽ ngày càng mạnh hơn trong quá trình di chuyển.
Một bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn và hơi nước sẽ tích tụ cho đến khi mây tan, gây mưa lớn. Vì vậy, hành tinh đang ấm lên cũng làm tăng lượng mưa do một cơn bão mang lại. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu cũng khiến bão di chuyển chậm hơn, tức là bão có thể đổ nhiều nước hơn vào một chỗ.
Biến đổi khí hậu dường như đang làm thay đổi mùa mưa bão và phạm vi hoạt động của nó. Những năm gần đây, những cơn bão nhiệt đới - tức là bão có tốc độ gió ít nhất là 120 km/g - đang có cường độ xuất hiện đạt định, và tiến xa hơn về phía bắc so với trước đây.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuyên bố vào ngày 4/7, hiện tượng El Nino đã đến, thế giới phải đối mặt với nhiệt độ cực cao, việc các quốc gia chuẩn bị cho những sự kiện thời tiết khắc nghiệt là rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về con người, kinh tế.
Sự kiện thời tiết tự nhiên này có khả năng bổ sung (thêm) nhiệt cho một hành tinh vốn đã nóng lên do biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho biết năm 2024 có thể là năm nóng nhất trên Trái Đất.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/the-gioi-dang-trai-qua-mot-mua-nang-nong-khac-nghiet-79016.html