Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Cụ thể, từ tháng 7/2019, đã có ba dự án thép mới được đưa vào khai thác gồm Hòa Phát Dung Quất, Tungho và Nghi Sơn. Lớn nhất phải kể tới là Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Theo đó, phần sản xuất thép xây dựng và thép dài tại Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất được triển khai trong 24 tháng, tính từ tháng 02/2017 và sẽ bổ sung cho thị trường 2 triệu tấn thép dài/năm, bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao.
Còn Dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn có công suất 2 triệu tấn phôi thép/năm, với quy mô 4 dây chuyền cho 2 giai đoạn đầu tư, trong đó, giai đoạn I có công suất 1 triệu tấn/năm có kế hoạch bắt đầu sản xuất trong tháng 7/2019, giai đoạn II có công suất 1 triệu tấn/năm, dự kiến hoạt động cuối năm 2020.
Trong khi đó, Tungho - chủ đầu tư Cty TNHH Fuco cũng vừa đưa nhà máy cán thép Fuco mới, công suất 600 nghìn tấn/năm vào hoạt động. Trước đó, giai đoạn I của Cty TNHH Fuco - thuộc Tập đoàn Tungho (Đài Loan) là một trong những dự án có quy mô lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất 1,6 triệu tấn/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hết tháng 12/2018, năng lực sản xuất thép xây dựng cả nước là 16,93 triệu tấn/năm, nhưng thực tế sản lượng huy động chỉ có 11,093 triệu tấn/năm, nghĩa là chỉ phát huy được 66% năng lực sản xuất. VSA cũng dự báo tăng trưởng của ngành Thép trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020 cũng không có sự đột biến và dao động quanh mức 9 - 10%.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho hay, ngành Thép thế giới đang trong tình trạng cung lớn hơn cầu. Đặc biệt là Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới đang chịu sức ép xuất khẩu rất lớn do nhu cầu trong nước chậm lại. Dự kiến, sản lượng xuất khẩu thép năm 2019 của Trung Quốc là khoảng 90 triệu tấn. Trước đó, năm 2018, lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc sang khu vực ASEAN - 6 đã tăng 2,3%, trong khi xuất khẩu vào các quốc gia và khu vực khác giảm.
Theo các chuyên gia, năm 2019 vẫn là một năm đầy khó khăn, thách thức của ngành Thép, khi nhu cầu thép trong nước chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Mặc dù đạt được sự tăng trưởng khá tốt trong năm 2018, nhưng trên thực tế, ngành Thép không những phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, mà còn phải đối mặt với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.
Áp lực dư thừa nguồn cung chưa được cải thiện, trong khi nhu cầu thép không gỉ trong nước không cao, cung đã gần gấp đôi nhu cầu thực tế, DN trong nước đang đối mặt với nhiều rủi ro về hàng rào cạnh tranh thương mại.
Trên thực tế, tại Việt Nam, hầu hết các sản phẩm thép khác đều đáp ứng được nhu cầu, hoặc cung đã vượt cầu. Ví dụ, ước tính tổng công suất thép xây dựng của cả nước hiện ở mức khoảng 18 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ năm vừa qua chỉ khoảng trên 10 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ cán nguội trong nước chỉ ở mức khoảng 500 nghìn tấn/năm, trong khi khả năng cung cấp của các dự án đang hoạt động lên hơn 700 nghìn tấn/năm.
Theo thống kê, các nhà máy sản xuất có tỷ lệ hoạt động trong quý I/2019 chỉ khoảng 50%, bằng phân nửa khả năng sản xuất của các DN. Dự kiến, cuối năm nay, khi Nhà máy Nguyễn Minh đi vào hoạt động, tổng sản lượng có thể cung cấp ra thị trường lên đến trên 900 nghìn tấn. Khi đó tình hình cung vượt cầu càng nghiêm trọng hơn.
Còn theo VSA, các DN trong nước mới chỉ sản xuất đạt trung bình 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới là khoảng 76,9%.
Từ thực tế đó, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước chỉ khuyến khích các DN đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao, phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ôtô… mà trong nước chưa sản xuất được. Bên cạnh đó, VSA cũng đề nghị, trong giai đoạn hiện nay chưa cần thiết phải đầu tư thêm các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ… Đồng thời, không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa nhu cầu tiêu thụ.