Cụ thể, giá cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex) tăng mạnh tới 6,64%, lên 32.100 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CMX của Công ty cổ phần Camimex Group tăng 3,6%, ở mức 30.300 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu của Công ty cổ phần thủy sản Cà Mau tăng 1,11%, đạt 9.100 đồng/cổ phiếu…
Đặc biệt, nhờ thông tin tích cực này, giá cổ phiếu MPC của Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã tăng trở lại sau nhiều ngày nằm trong “sắc đỏ”, vì thông tin lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, giá cổ phiếu MPC đã tăng 8,3%, ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 21/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 – POR13, từ 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018.
Theo đó, mức thuế cho hai bị đơn bắt buộc (Công ty Fimex và Nha Trang Seafood) và khoảng 30 doanh nghiệp tôm còn lại là 0%. Đây được xem là thành quả tốt nhất của ngành tôm Việt Nam trong 13 lần xem xét hành chính.
Trước đó, trong POR 12, mức thuế cho bị đơn bắt buộc duy nhất là Công ty Fimex và các công ty khác là 4,58%.
Với tin vui này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, chắc chắn xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Đây cũng là động lực tốt để ngành tôm Việt Nam có cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý, dù có lợi thế nhưng sắp tới các doanh nghiệp tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường này, nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai do hệ quả từ xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng đến 37,2%, đạt 77 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%.
Cũng theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên, do tồn kho giảm trong khi thị trường này cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt sang các thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng ghi nhận tăng trưởng tốt.
Mặc dù tính chung trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 7. Đây cũng là tháng đầu tiên xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay, đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://tbck.vn/thue-xuat-vao-my-ve-0-co-phieu-nganh-tom-huong-loi-45768.html