Sáng ngày 27/9, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô". Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và đào tạo - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương; PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế; ông Phùng Thế Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo – Thành viên Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Huy Khôi cho rằng đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang trong chiều hướng suy giảm do những tác động của đại dịch Covid-19 cũng như diễn biến của địa chính trị.
Kết quả tích cực này xuất phát từ nguyên nhân sâu xa từ trước và sau đại dịch. Cụ thể là quyết định dỡ bỏ sớm giãn cách xã hội giúp doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kéo lao động nước ngoài quay trở lại làm việc. Thứ hai là sự nhận diện chính xác của Chính phủ trong việc xác định trụ cột, có thể là bệ đỡ để duy trì tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì tăng trưởng tiêu dùng trong nước trong thời gian qua.
Từ giữa năm 2022, nhận định được bức tranh kinh tế sẽ có chiều hướng suy giảm, Chính phủ đã nhận diện đầu tư công và tiêu dùng trong nước 2 trụ cột chính giúp duy trì tăng trưởng kinh tế để từ đó đưa ra những chỉ đạo rất sát sao, kịp thời.
Ông Phùng Thế Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo chia sẻ, doanh nghiệp bán lẻ đã nhận thức được việc người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ hậu Covid-19. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp bán lẻ tích cực tham gia các chương trình kích cầu, những chuỗi bán lẻ hàng đầu đã bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận để tập trung đẩy mạnh doanh thu, nâng cao sức mua của người tiêu dùng.
Ông Vinh chia sẻ: "Tập đoàn Kangaroo đã và đang thực hiện 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là, tổ chức hiệu quả xúc tiến thương mại cho thị trường trong nước, đặc biệt thúc đẩy kênh phân phối qua nền tảng số, thương mại điện tử. Thứ hai là, kết hợp với chính phủ tăng cường truyền thông về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thứ ba là, chú trọng đầu tư hiện đại hóa kênh phân phối, hiện diện trên 64 tỉnh thanh. Cuối cùng là luôn tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là đưa ra sản phẩm đặc thù phù hợp với phân khúc và mức tiêu dùng hiện nay."
Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều mặt hàng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Đây được coi là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, dường như chính sách này chưa mang lại hiệu quả mong muốn khi trong tháng 7 và tháng 8 mức tiêu dùng liên tục sụt giảm.
Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng lựa chọn công cụ thuế để thúc đẩy thị trường là chính xác về cả mặt lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, thị trường vẫn phản ứng theo hướng tiêu cực, do việc thực thi chính sách đang có điểm nghẽn do vấn đề lòng tin. Doanh nghiệp đã yếu đi nhiều mặt, thu nhập người tiêu dùng vẫn thấp, có thể mức giảm 2% là chưa đủ và khâu thực thi cần phải lành mạnh hơn.
Theo ông Trần Đình Thiên, các chính sách, giải pháp của chính phủ hiện nay đã tiến cận đúng hướng, nhưng chưa đủ mức. Đặc biệt, chính sách tài khoán cần mạnh hơn, thuế VAT có thể giảm mạnh hơn,...
Để có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, ông Lê Huy Khôi khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó có những điều chỉnh điều tiết để tiết kiệm chi phí cho việc duy trì hoạt động và tận dụng tốt những cơ hội để phát triển; cập nhật thông tin để nắm bắt thay đổi liên quan đến cơ chế chính sách của nhà nước để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong nước cũng cần ý thức trong việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm để gây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin cho các thành viên; kết nối các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng để cùng nhau phát triển là rất quan trọng.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thi-truong-noi-dia-la-tru-do-quan-trong-cua-nen-kinh-te-109735.html