Thị trường thực phẩm sạch đang trong giai đoạn “cao trào”
Trong bối cảnh thu nhập đầu người tăng lên và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tác động tiêu cực tới sức khỏe, người tiêu dùng Việt có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch (TPS), có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường.
Thống kê cho hay, có tới 86% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam do Nielsen quý III vừa qua cũng đưa ra kết luận rằng, người Việt đang ngày càng quan tâm tới sức khỏe, chú trọng tới vấn đề thực phẩm và các yếu tố an toàn, chăm sóc sức khỏe. Mặc dù chỉ số tiết kiệm vẫn đứng top đầu trong khu vực nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn lòng móc hầu bao cho các sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe.
Và đây chính là lý do cũng như động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường thực phẩm sạch.
Nhen nhóm từ những mô hình cửa hàng, trang trại nhỏ lẻ giai đoạn 2012-2013, đến nay sau 5 năm phát triển, thị trường thực phẩm sạch đã có chỗ đứng cho riêng mình trong ngành thực phẩm nói riêng và nông nghiệp nói chung.
Không còn là những cửa hàng vài mét vuông hay trang trại quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, thị trường thực phẩm sạch hiện giờ đã có sự góp mặt của nhiều ông lớn tên tuổi trong nền kinh tế như Vingroup với Vineco, Hòa Phát với chuỗi các công ty con về chăn nuôi, TH Group với các dự án rau sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Vinamilk làm sữa hạt, sữa organic,...
Chưa có số liệu cụ thể về thị phần của thị trường này nhưng dạo 1 vòng quanh qua các con phố cũng như các trang buôn bán online có thể thấy được sự đa dạng của các mặt hàng và các thương hiệu từ trong nước đến nước ngoài, xanh sạch đơn thuần đến hữu cơ (organic).
Những tên tuổi quen thuộc với người tiêu dùng có thể kể đến như Clever Food, Sói Biển, Bác Tôm, Tâm Đạt hữu cơ, BigGreen, Orfarm, Greenlife, Nông sản ngon,... và còn rất nhiều những cửa hàng tư nhân, chuỗi các hợp tác xã trồng và chăn nuôi thực phẩm sạch, hữu cơ nhỏ lẻ khác từng ngày, từng tháng xuất hiện trên thị trường.
Thị trường thực phẩm sạch đang là miếng bánh hấp dẫn với giới đầu tư trong nước và ngoài nước khi xu hướng tiêu dùng xanh lên ngôi, người dân hơn bao giờ hết quan tâm đến việc đầu tư cho sức khỏe. Tuy nhiên, miếng bánh này lại chẳng dễ ăn khi hàng loạt các cửa hàng mở ra rồi lại phải đóng lại vì thua lỗ, không đủ sức cạnh tranh.
Và hơn thế, sự nhập nhèm "vàng thau lẫn lộn" giữa thực phẩm sạch và thực phẩm kém chất lượng của nhiều doanh nghiệp đã khiến cho người tiêu dùng mất đi niềm tin với thực phẩm sạch. Dù có nhu cầu nhưng sự nghi ngờ luôn thường trực đã phần nào làm cho các cơ sở kinh doanh phải lao đao tìm cách chinh phục lại thị trường và người tiêu dùng.
Tăng trưởng "nóng" thành ra rối ren...
2 năm gần đây thị trường thực phẩm sạch đang có sự tăng trưởng "nóng" khi mà số lượng các cửa hàng kinh doanh TPS ngày càng tăng, doanh nghiệp cũ mở thêm cửa hàng, mở rộng thị phần, doanh nghiệp mới ra sức cạnh tranh, đánh dấu thương hiệu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, có tới 2,9 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo được thành lập mới, chiếm 12,5% và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể cũng rất lớn nhưng sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập mới cho thấy sức nóng của thị trường nói chung và của nhóm ngành thực phẩm sạch, chế biến nói riêng.
Điều này đã phần nào khiến người tiêu dùng thêm hoang mang bởi sự na ná giống nhau của các cửa hàng cũng như sản phẩm, do đó mà khó tìm được cho mình sự lựa chọn tốt nhất.
Không chỉ người tiêu dùng hoang mang mà dường như đến các cơ quan quản lý cũng đang quá tải với các cơ sở, cửa hàng buôn bán thực phẩm sạch. Một minh chứng là năm 2016, trong giai đoạn triển khai tháng cao điểm về An toàn thực phẩm, Bộ NNPTNT đã công bố danh sách 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm tại các tỉnh thành trên cả nước.
Nhưng kể từ đó đến nay, không có thêm bất kỳ văn bản nào tương tự hay cập nhật mới về danh sách này. Có lẽ nào sự bùng nổ của thị trường thực phẩm sạch đã làm cho các cơ quan quản lý... trở tay không kịp?
Và một điều tất yếu xảy đến sau sự tăng trưởng "nóng" đó là hàng loạt những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra.
Năm 2015 có lẽ là năm đáng nhớ với người tiêu dùng và giới kinh doanh thực phẩm sạch khi sự thật về rau sạch tại một số siêu thị bị bóc mẽ. Theo đó, nguồn gốc rau sạch của Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ - đơn vị đầu mối cung cấp rau cho hàng loạt siêu thị như Metro, BigC, Lotte Mart… lại chính là các chợ đầu mối tại Hà Nội thay vì được trồng tại HTX Ba Chữ (Đông Anh, Hà Nội) như quảng cáo.
Ba Chữ khi ấy bị người tiêu dùng tẩy chay, và chính đến các siêu thị cũng phải dừng kết nối với công ty này. Nhưng câu chuyện các siêu thị biết hay không việc rau sạch Ba Chữ không sạch thì vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Năm 2016, tổ công tác liên ngành khi kiểm tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã phát hiện nhiều hộp thực phẩm chưa có tem nhãn ghi hạn sử dụng, một số khác không ghi ngày sản xuất. Đồng thời, hàng loạt sản sản phẩm thịt lợn, chả cá, thịt cá hồi đóng hộp đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn được để trong tủ đông lạnh của cửa hàng.
Đây mới chỉ là 2 minh chứng trong hàng loạt những vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm và gian dối về chất lượng của thực phẩm bị phát hiện. Qua đó để thấy, dù là những cơ sở có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, hay là hệ thống siêu thị lớn - nơi người tiêu dùng đặt trọn niềm tin thì chất lượng thực phẩm vẫn còn ở tình trạng "thả nổi", khó kiểm soát.
Chấp nhận mức giá cao hơn hẳn so với thực phẩm tại chợ truyền thống, người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch để hướng đến một cuộc sống xanh hơn, an toàn hơn. Đặt niềm tin nơi các cửa hàng uy tin, siêu thị cao cấp để yên tâm hơn cho mỗi bữa ăn, nhưng e rằng với sự "bát nháo" của thị trường như hiện nay thì sẽ có ngày người tiêu dùng chỉ còn biết... xanh mặt khi phát hiện ra nguồn gốc thật của từng cọng rau, miếng thịt trong bữa cơm hàng ngày.