Ngon, sạch chỉ dành cho... người giàu???
Tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Clever Food măng tây xanh có giá 140.000 đồng/kg, rau ngót rừng 160.000 đồng/kg. Rau xà lách Đà Lạt Vietgap tại Donavi cũng có giá tới 90.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống đang được bán với giá chỉ từ 55 – 80.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng khoảng 1/2 - 1/3 giá một cân rau kể trên.
Tất nhiên, cũng cần nói rõ rằng việc so sánh giá các loại thực phẩm này với nhau là khập khiễng nhưng qua đó có thể thấy việc tiếp cận các nguồn thực phẩm được cho là sạch, là an toàn hay cao hơn nữa là thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng Việt Nam là điều không hề dễ dàng.
Chị Mai ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, chị cảm thấy như bị “móc túi” mỗi khi đi chợ vì chỉ mua loanh quanh đôi ba loại thực phẩm dành cho 1-2 bữa ăn của gia đình nhỏ gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con đều dưới 10 tuổi mà đã tốn cả triệu bạc.
Cùng quan điểm, chị Lương ở đường Láng (Hà Nội) cho biết, chị chỉ dám mua các loại hoa quả gắn mác hữu cơ cho con cái chứ hai vợ chồng vẫn ăn các loại thực phẩm mua trong siêu thị vì quá đắt đỏ.
Khảo sát thêm một số cửa hàng thực phẩm được xếp hạng “tốp đầu” hiện nay trên thị trường Hà Nội có thể thấy giá bán của các loại thực phẩm tại đây đều rất cao so với chợ truyền thống.
Đơn cử như tại giá bán thịt lợn tại thị trường truyền thống khi tới tay người dùng hiện dao động từ 75 – 80.000 đồng/kg. Trong khi ấy, giá của một số loại thịt lợn được quảng cáo là sạch và hữu cơ vẫn ổn định ở ngưỡng 155 – 185.000 đồng/kg – cao gấp đôi đến gấp rưỡi giá sản phẩm thông thường.
Đối với thịt bò, trong khi giá thịt bò tại chợ truyền thống là từ 200 – 230.000đồng/kg thì các sản phẩm thịt bò được cho là sạch và an toàn tại một số cửa hàng như Clever Food, Sói Biển, Bác Tôm,… dao động từ 295 – 370.000 đồng/kg.
Ngay cả các loại thực phẩm nhập khẩu có cùng nguồn gốc cũng có sự chênh lệch rất lớn khi 1kg cá hồi phi lê tại các điểm bán thông thường dao động từ 300 - 400.000 đồng/kg thì siêu thị Teekiu mart bán tới hơn 500.000 đồng/kg. GoFood thậm chí còn bán mặt hàng này lên tới gần 550.000 đồng/kg.
Tương tự với giá rau củ, 1kg dưa chuột thông thường có giá khoảng 10-12.000 đồng/kg thì dưa chuột được gắn mác hữu cơ có giá dao động từ 26.000 – 32.000 đồng/kg tùy thương hiệu.
Rau sạch, rau hữu cơ tại một số thương hiệu như Donavi, Greenlife,… thường có mức giá trên 30.000 đồng/kg, củ quả cũng có giá chênh so với thực phẩm thông thường từ 20-30.000 đồng/kg.
Đắt đến đâu thì sạch?
Không chỉ chênh lệch giá so với thực phẩm thông thường, giữa các thương hiệu thực phẩm sạch cũng có sự chênh lệch khá nhiều về giá.
Qua khảo sát với một số mặt hàng rau, đối với rau cải, tại Clever Food rau cải có giá là 45.000 đồng/kg - cao hơn so với mức giá chung 31-32.000 đồng/kg của GreenLife, Sói Biển và Bác Tôm.
Tương tự với mặt hàng khoai lang, bắp bò, cá hồi, giá tại Clever Food đều nhỉnh hơn so với các thương hiệu khác.
Theo khảo sát niềm tin người tiêu dùng năm 2016 của Nielsen, người tiêu dùng sẵn sàng mua các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe với mức giá cao hơn từ 10-20%. Và trong những năm gần đây, dù tiết kiệm nhất trong khu vực châu Á nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn không ngần ngại “móc hầu bao” cho các sản phẩm xanh, an toàn sức khỏe.
Tuy nhiên, việc chất lượng các loại thực phẩm hiện đang được bày bán tại các cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ có tương xứng với giá cả của các mặt hàng này hay không thì không có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào dám khẳng định chắc chắn.
Đắt liệu có sạch?
Điều đáng nói là, mặc dù chấp nhận những mức giá hết sức đắt đỏ nhưng những người tiêu dùng như chị Mai, chị Lương vẫn không hoàn toàn cảm thấy yên tâm khi mua những loại thực phẩm kể trên sau khi nhiều cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ trà trộn các loại sản phẩm trôi nổi ngoài chợ nhằm tối đa hóa lợi nhuận liên tục bị phanh phui trong thời gian qua.
Vào cuối tháng 11/2016, trong đợt kiểm tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chuỗi cửa hàng sạch Sói Biển, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm đã phát hiện hơn 10kg thực phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc không có tem nhãn ghi hạn sử dụng; 3kg giá đỗ không có ngày sản xuất.
Còn trong tháng 4 vừa qua, tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ Bảo Châu (TP Phủ Lý, Hà Nam) Đoàn thanh tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam đã phát hiện và tịch thu 36kg thịt lợn đông lạnh tươi sống hết hạn sử dụng từ vài ngày đến vài tháng vẫn được lưu trữ để bán.
Cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều loại thực phẩm không có nhãn mác, hoặc là hàng nhập khẩu nhưng không có tem phụ tại cửa hàng chuyên bán đồ đông lạnh Định Hơn (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Phủ Lý, Hà Nam).
Tại hội thảo “Thực phẩm sạch dành cho ai” diễn ra vào cuối tháng 12/2016, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ trên thị trường.
Cũng trong năm 2016, một báo cáo thống kê của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 75.000 người chết vì ung thư và có tới 35% người mắc ung thư là do sử dụng thực phẩm bẩn.
Trong khi đó, theo nhận xét của nhiều người tiêu dùng, những thực phẩm được gắn mác thực phẩm hữu cơ hay thực phẩm sạch có chất lượng và mùi vị tốt hơn so với các loại thực phẩm tương tự tại các chợ truyền thống hay các siêu thị.
Tuy nhiên, tới thời điểm này chưa có khảo sát chính thức nào cho biết sản phẩm hữu cơ có độ dinh dưỡng hơn sản phẩm thường và nếu cao hơn thì cao hơn đến đâu.