Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các đơn vị, DN đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực.
Gắn bó với một DN chuyên kinh doanh thiết bị điện tử từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Minh không thể ngờ mình lại rơi vào cảnh thất nghiệp nhanh như thế. Theo chị Minh, từ khi xuất hiện dịch, tình hình kinh doanh của Cty ảm đạm trông thấy, một số nhân viên được Cty cho nghỉ tạm thời, số còn lại đều phải giảm lương để duy trì công việc.
Đến đầu tháng 3, dịch bùng phát, khó để trụ vững nên Cty đã phải cho hầu hết nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại một vài nhân viên chuyên để duy tu, bảo dưỡng máy móc cho khách hàng. Cuộc sống gia đình vẫn phải duy trì nên chị bắt buộc phải tìm việc khác.
Nhu cầu việc làm đã tăng trở lại. Ảnh: TL |
Chị Minh cho biết, sau khi thất nghiệp, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, chị được tư vấn đăng ký tuyển dụng việc làm online và ngay sau đó, chị đã tìm được công việc mới. Chị Minh chia sẻ, chị không nghĩ mình lại được tuyển dụng ở thời điểm này. Có thể do người lao động ít đi tìm việc nên tôi lại thành người may mắn. Trong mùa dịch Covid-19, so với tìm việc trực tiếp, tìm việc online giúp hạn chế đến chỗ đông người, tiếp xúc với nhiều người, tránh được rủi ro lây dịch bệnh.
Dù Cty phải cắt giảm một nửa nhân sự, thế nhưng anh Nguyễn Dũng Tuấn cũng không phải ở nhà quá lâu. Bắt đầu từ tháng 3, Cty cắt giảm nhân sự nhưng cũng chỉ một tuần sau đó, anh đã tìm được công việc mới. Anh Tuấn được tư vấn về tìm việc online tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, và anh đã tìm được một công việc mới với chuyên ngành kế toán chỉ một tuần sau đó.
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nhiều đến thị trường lao động. Bên cạnh các đơn vị, DN cắt giảm nguồn lực lao động thì cũng có rất nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động.
Hiện nay, thị trường lao động đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có gần 1.000 DN đăng ký tuyển dụng với hơn 10.000 chỉ tiêu, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19.
Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: Kinh doanh, cơ khí điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật… Một số DN tuyển dụng với số lượng lớn. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, người lao động có thể tham gia phỏng vấn trực tuyến với nhà tuyển dụng. Thay vì chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, ứng viên chỉ cần chụp hồ sơ gửi đến hòm thư điện tử của nhà tuyển dụng. Có hàng nghìn đầu việc đang chờ đợi ứng viên.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, từ tháng 5-2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, thị trường việc làm được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong tương lai gần. Cũng nhằm ứng phó với dịch bệnh và giúp người lao động ở nhà vẫn có thể tìm được việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang nghiên cứu để nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web Việc làm quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trước mắt, trang web sẽ nghiên cứu để góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong điều kiện tránh tụ tập đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ; đồng thời tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động trong lúc đang bị giãn việc, ngừng việc,... do dịch bệnh Covid-19. Trang web sẽ kết nối: Sàn giao dịch việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề, trường nghề,… để có thể thích ứng với bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, việc kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế phục hồi phải có thời gian nên xu hướng cầu lao động sẽ tăng nhưng không phải cơ hội cho tất cả mọi người. Do đó, mỗi người lao động phải nỗ lực cao hơn, dù là lao động cũ nhưng phải đáp ứng được yêu cầu mới của sản xuất.