Sau khi những cánh đồng được gặt xong cũng là thời điểm mùa chuột đồng vào vụ, lúc này ở nhiều xã thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội), nhiều người tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đi săn chuột đồng.
Trao đổi với PV, anh Dũng – một thanh niên tại xã Canh Nậu cho biết: “Ở xã chúng tôi có truyền thống ăn thịt chuột đồng cả chục năm nay. Vài năm trước, trong những đám cưới, đám giỗ phải có món chuột đồng mới được cho là sang. Những năm gần đây, do số lượng chuột ít hơn cộng với việc giá cả đắt đỏ nên trên mâm cỗ ít có món chuột hơn”.
Người dân ở huyện Thạch Thất cho biết, giá mỗi kg chuột đồng loại ngon thậm chí đắt hơn thịt gà nhưng không phải ai cũng có thể mua được chuột đồng chính hiệu.
Theo anh Dũng và nhiều người dân nơi này, mùa chuột đồng chỉ có trong ít tháng, chủ yếu từ giữa tháng 10 đến qua Tết. Lúc này những cánh đồng đã gặt hái xong, chuột đã được “vỗ béo” cũng như ít nơi trú ngụ nên dễ dàng săn bắt.
Tại xã Canh Nậu, nhiều người thường tranh thủ thời gian rảnh để cùng tổ chức bắt chuột đồng bằng nhiều phương pháp khác nhau như: Bẫy, đào hang, sử dụng chó để săn bắt, hun khói hay đổ nước vào hang…
Những người săn bắt chuột chuyên nghiệp với mục đích thương mại thường sử dụng phương pháp đặt bẫy và phải di chuyển sang các huyện thành khác, thậm chí sang các tỉnh lân cận Hà Nội để săn chuột đồng.
Người dân tại xã Canh Nậu cho biết, chuột đồng cơ bản rất sạch sẽ và chỉ ăn các loại hoa màu như ngô, khoai, sắn, lúa,… nên không lo ngại, riêng chuột ở trung tâm thành phố thì chui rúc nhiều, ăn các loại thức ăn bẩn nên không được sử dụng làm thực phẩm.
“Nhìn chuột đồng là chúng tôi biết ngay bởi thông qua thân hình, dáng dấp cũng như bộ lông nên rất ít khi nhầm lẫn với các loại chuột sinh sống ở trung tâm thành phố”, chị Hà – một người dân buôn bán cho hay.
Chuột sau khi săn bắt về sẽ được làm sạch lông, thui rơm và moi hết nội tạng, cắt bỏ đầu đuôi rồi mới bán hoặc chế biến các món ăn khác nhau.
Trao đổi với PV, chị Đỗ Thị Hương (xóm Ao Thuyền) cho biết: “Gia đình tôi thường đi đặt bẫy từ các huyện khác và mỗi ngày thu được từ 18-22kg, sau khi mang chuột về và chế biến rồi mới tiến hành bán cho người dân có nhu cầu”.
Theo ghi nhận của PV, cứ chiều chiều, nhiều sạp thịt chuột được thui ngay ven đường trong làng, thậm chí chuột chưa thui xong đã có người đặt mua hết.
“Mỗi kg chuột đồng làm sạch, chúng tôi bán với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, Nhiều thời điểm không có hàng để bán”, chị Hương tiết lộ.
Được biết, chuột đồng được người dân Canh Nậu chế biến làm nhiều món ăn khác nhau như: Xào hành hoa, xào xả ớt, hấp, quay, rán...
Một số người còn vui đùa rằng, nếu là dân Canh Nậu, Dị Nậu chính gốc thì mỗi mùa chuột đồng về mà không ăn thịt chuột ít nhất vài bữa thì coi như bỏ mất một món ăn ngon trong năm.