Liên quan đến vụ xe Honda CR-V đang đỗ ngoài trời nắng thì xuất hiện “một tiếng nổ như nổ bốt điện” sau đó bốc cháy, đại diện Honda Việt Nam cho biết, hiện nhân viên đại lý Honda ở Thái Bình đã kéo xe từ Nam Định về để kỹ thuật viên dịch vụ tìm hiểu nguyên nhân.

Theo chia sẻ của anh T. (chủ nhân của chiếc Honda CR-V), khoảng 13h30 trưa 19/5 khi anh đang đỗ xe ngoài cửa nhà thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định thì bỗng nghe thấy tiếng nổ như nổ bốt điện. Sau khi phát hiện, vùng cháy đã bùng lên từ bên phía lốp phải của đầu xe, sau đó cháy lan vào trong cabin.

Các hình ảnh tại hiện trường cho thấy nhiều chi tiết làm bằng nhựa ở bên phải của xe đã bị cháy như: Kính chắn gió, bảng táp-lô, ghế, cụm đèn, một số bộ phận trong khoang máy; đồng thời khiến nắp ca-pô bị vênh lên. Tuy nhiên, anh T. cho biết, các vật dụng và giấy tờ trong cốp bên ghế phụ không hề bị ảnh hưởng.

Chủ xe cũng khẳng định không hề có bật lửa hay các vật dễ gây cháy trong xe. Sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, anh T. đã báo đến cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân.

Đậu xe dưới trời nắng, Honda CR-V bất ngờ bốc cháy khiến nhiều người dùng hoang mang.

Đậu xe dưới trời nắng, Honda CR-V bất ngờ bốc cháy khiến nhiều người dùng hoang mang.

Ngay sau khi đăng tải trên diễn đàn về ô tô trên mạng xã hội Facebook, nhiều nguyên nhân đã được cộng đồng mạng đưa ra. Trong đó, yếu tố thời tiết cũng được tính đến khi miền Bắc đang trong giai đoạn nắng, nóng kỷ lục của mùa hè.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có thâm niên làm trong lĩnh vực ô tô, nguyên nhân xe bốc cháy do thời tiết là không khả thi, bởi mỗi chiếc xe khi đi vào sản xuất đều được tính toán, thử nghiệm để chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ô tô bị cháy, theo các chuyên gia, chủ yếu tập trung vào các lý do sau:

Thứ nhất là động cơ quá nóng. Với nhiệt độ cao trong khoang máy, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy bất thường mà lái xe ít khi đủ cảnh giác để nhận ra.

Thứ hai là do chập nguồn điện. Hệ thống điện bị hỏng là một trong những nguyên nhân phổ biến có thể gây cháy nổ. Hệ thống điện được bố trí khắp chiếc xe. Khi xảy ra chập điện, 1 tia lửa điện sẽ được phóng ra và khiến những chất dễ cháy bị rò rỉ dù chỉ một giọt có thể bùng lên thành ngọn lửa.

Cháy lan vào trong cabin nhưng các vật dụng trong cốp nhỏ bên ghế phụ không bị ảnh hưởng.

Cháy lan vào trong cabin nhưng các vật dụng trong cốp nhỏ bên ghế phụ không bị ảnh hưởng.

Được biết, chiếc Honda CR-V bị cháy không rõ nguyên nhân thuộc phiên bản mới đang được bán tại Việt Nam do Honda nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước.

Xe ô tô bị hư hại do cháy nổ có được bảo hiểm bồi thường không?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty luật TNHH Đức An) phân tích, đối với những trường hợp xe mua bảo hiểm nhưng bị cháy nổ này.

Thứ nhất, nếu chủ xe ô tô thực hiện mua bảo hiểm vật chất (đã bao gồm bảo hiểm cháy nổ) xe ô tô của mình thì:

Điều 575 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

“1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

2. Bên bảo hiểm phải thanh toán chi phí cần thiết và hợp lý mà người thứ ba đã bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.”

Theo quy định trên thì khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trên thực tế thì người mua bảo hiểm phải báo ngay cho cơ quan bảo hiểm để thực hiện thủ tục bồi thường cho cho người được bảo hiểm. Và theo quy định tại điều 10 Nghi định 130/2006/NĐ – CP quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc liệt kê các trường hợp loại trừ trách nhiệm thì trường hợp này không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của công ty bảo hiểm.

Điều 10. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

“Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra:

1. Động đất, núi lửa phun hay những biến động khác của thiên nhiên.

2.Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt.

3. Tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

4. Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

5. Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

6. Thiệt hại xảy ra đối với máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện do chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện hay rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

Nhật Tân

Theo Giadinh.net.vn