Hầu hết người dân đi chợ đều đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19, song việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m gần như không được quan tâm.

Chưa tuân thủ khoảng cách an toàn

Dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), chợ Cống Vị, chợ Thành Công (quận Ba Đình)...chúng tôi dễ dàng nhận thấy ý thức phòng dịch Covid-19 của người dân khá cao, từ việc đeo khẩu trang đến rửa tay sát khuẩn khi ra, vào chợ. Tại các cổng vào, lực lượng chức năng thường xuyên chốt trực để hướng dẫn, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng dịch, giữ khoảng cách trong khi mua hàng song vấn đề này dường như bị bỏ ngoài tai.

Chị Hoàng Thu Hà sống tại Khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, trung bình 1 tuần chị đi chợ Xuân Đỉnh 2 lần để mua thực phẩm. Do vậy, mỗi lần đi chợ chị phải mua khá nhiều đồ. Vì không muốn lưu lại ở chợ lâu nên chị Hà phải tranh thủ chọn thật nhanh những mặt hàng mình có nhu cầu.

Người mua hàng tại chợ đứng khá gần nhau

“Thông thường chợ nào cũng có một số hàng bán thịt, cá, rau tươi ngon nên người mua chỉ tập trung vào những quầy hàng đó khiến những hàng này lúc nào cũng đông đúc. Người đến sau nếu cứ tuân thủ khoảng cách 2m mới vào thì chỉ có ra về tay không. Bên cạnh đó, diện tích trong chợ khá chật chội, các quầy hàng nằm san sát nhau nên người dân dù muốn phòng dịch nhưng vẫn cứ phải chen vào mua hàng nếu không muốn mất quá nhiều thời gian chờ đợi” – chị Hà chia sẻ.

Với tâm trạng tương tự, bà Bùi Thị Vân ở phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình cho biết,  do nhà đông người nên hầu như ngày nào bà cũng phải đi chợ. Để đảm bảo an toàn, bà thường tránh những quầy hàng có đông người, đứng ngoài chờ đến khi vãn khách mới tiến vào. Mặc dù vậy, theo bà Vân, nếu chỉ một vài người có ý thức giữ khoảng cách thì cũng…như không.

“Tôi đợi ngoài quầy đến gần hết khách mới vào thì những người tới sau tôi nhanh chân vọt lên trước, họ đứng sát tôi để chọn thực phẩm. Tôi nhắc nhở thì họ chép miệng “tranh thủ đầu giờ sáng để đi chợ, chợ thì chật, người đông như trẩy hội, nếu cứ xếp hàng chờ đến lượt chắc tới chiều”.

Tôi nghĩ rằng, trong thời điểm dịch Covid-19, khoảng cách an toàn 2m là để bảo vệ  chính mình và những người xung quanh. Lâu nay chúng ta đã bỏ đi thói quen xếp hàng và khi ra đường không ít người bằng mọi cách cố nhoi lên phía trước.

Để bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác đồng thời cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêmnhững cá nhân vi phạm. Có như vậy, việc phòng, chống Covid-19 mới đạt hiệu quả như mong muốn” – bà Vân nói.

Cần xử lý nghiêm

Về căn cứ xử lý vi phạm, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị số 15/CT-TTg về việt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. 

 Nhằm kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Tiếp theo đó, Chỉ thị số 16/CT-TTg cũng nêu rõ, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.

Việc tuân thủ khoảng cách 2m không được mấy ai quan tâm

Ngoài ra, Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại Điều 11 nêu rõ các mức phạt vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm nguyên tắc về giãn cách xã hội, không giữ khoảng cách 2m, tụ tập từ 2 người trở lên, không thực hiện các biện pháp phòng dịch có thể bị xử phạt từ 100-300.000 đồng.

Theo An ninh Thủ đô