Thử nghiệm thuốc diệt chuột… chuột không chết
Theo Tuổi trẻ, ông Hồ Công Mão (50 tuổi, ngụ xóm 8, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) lắc đầu ngao ngán khi dẫn PV ra trước cánh đồng ngô chuẩn bị thu hoạch: “Ngô chuẩn bị thu hoạch mà bị chuột cắn phá dữ quá. Không hiểu sao, chúng tôi đã dùng thuốc diệt chuột bẫy chuột nhưng chuột không chết mà còn phát triển mạnh hơn”.
Cánh đồng ngô của ông Mão rộng khoảng 20ha được ông thuê đất, gieo trồng cách đây chừng hai tháng.
Theo ông Mão, thời điểm gieo trồng, gia đình ông mua 100 gói thuốc diệt chuột nhãn hiệu RAT K2 % DP của Công ty Thanh Sơn Hóa Nông (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM) có hạn sử dụng 2 năm ở một tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Sau khi gieo trỉa ngô, ông Mão dùng thuốc diệt chuột để bẫy chuột theo chỉ dẫn in trên bao bì sản phẩm. Cũng theo thông tin từ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thì sau khi chuột ăn thuốc sẽ bò vào hang và chết sau từ 3-5 ngày.
“Chúng tôi đào các hang chuột xung quanh khu vực rải thuốc không phát hiện con chuột nào chết, thậm chí chuột còn rất khỏe mạnh, phát triển mạnh hơn trước”, ông Mão kể.
Số ngô vừa gieo trỉa liên tục bị phá hoại buộc gia đình ông Mão phải gieo lại ngô giống 4 lần, hoặc chuyển sang diện tích cây trồng khác.
Nghi ngờ chất lượng của thuốc diệt chuột, ông Mão bắt chuột từ đồng về, pha thuốc theo tỉ lệ rồi bơm trực tiếp vào chuột nhưng chuột không chết, thậm chí còn còn khỏe hơn trước.
Ông Chu Duy Phong (40 tuổi), có ruộng ngô cạnh gia đình ông Mão cũng bị chuột cắn phá nặng nề. Những cây ngô vừa mới trổ đã bị chuột cắn đứt ngang, xơ xác trông như một trận lốc vừa càn qua. Nhiều cây ngô vừa ra bắp bị chuột ăn sạch.
Theo tính toán của ông Phong, sau ba tháng chăm trồng nếu ngô đạt năng suất dự kiến thu khoảng 40 tấn/hecta. Nhìn ruộng ngô bị chuột phá hoại, gia đình ông Phong không buồn thu hoạch vì sợ lỗ.
“Chúng tôi đã bỏ công đầu tư chăm sóc, chi phí giống, phân bón… những tưởng thời tiết năm nay thuận lợi sẽ cho thu hoạch cao thì lại bị chuột phá hoại chỉ vì thuốc diệt chuột không có tác dụng, làm chúng tôi thiệt đơn thiệt kép”, ông Phong thở dài.
Để cứu vãn số ngô chưa bị phá hoại, gia đình ông Phong phải đặt bẫy thủ công hoặc đào hố bắt chuột nhưng cũng không xuể.
Thuốc được kiểm định đạt chuẩn
Cũng theo Dân trí, ngay sau đó các hộ dân đã báo sự việc lên cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An cũng đã cử cán bộ đến lấy mẫu, xác minh làm rõ sự việc người dân phản ánh.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã lấy mẫu gửi các cơ quan độc lập phân tích mẫu thuốc một cách khách quan tuy nhiên các chỉ số cho thấy loại thuốc đảm bảo chất lượng, được phép lưu thông trên thị trường. Hiện Chi cục cũng đã làm báo cáo gửi Cục bảo vệ thực vật xin ý kiến chỉ đạo về vụ việc trên”.
Trong biên bản số 265/BVTV - TTr của Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An gửi Cục bảo vệ thực vật nêu rõ: Sau khi nhận được phản ánh của bà con nông dân, Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An đã trực tiếp đến hiện trường lấy mẫu số thuốc diệt chuột nhãn hiệu RATK2%Br gửi hai mẫu thuốc đến Trung tâm kiểm định và kiểm nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc và Trung tâm kiểm định và kiểm nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam.
Đồng thời Chi cục cũng đã tiến hành làm thử nghiệm trên chuột, tuy nhiên sau 1 tuần chuột vẫn sống bình thường. Chi cục cũng đã hướng dẫn bà con thay đổi loại thuốc khác để diệt chuột.
Sau đó Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An đã nhận được các phiếu trả lời kết quả phân tích của hai đơn vị kiểm nghiệm nói trên. Tuy nhiên trong phiếu kết quả lại cho thấy thuốc đạt các hàm lượng tiêu chuẩn cho phép. Từ đó Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An đề nghị Cục bảo vệ thực vật kiểm nghiệm lại kết quả trừ chuột của thuốc RATK2%.
Trong thời gian này Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An cũng đề nghị các huyện chỉ đạo UBND các xã các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Nghệ An dừng sử dụng loại thuốc này./.