Nghiêm khắc xử phạt

Ngày 18/11, Bộ NNPTNT công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh của người dân trước thực trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm gia tăng ở mức báo động trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng chất cấm, hoá chất ngoài danh mục cho phép gia tăng ở mức báo động.  Bộ NN&PTNT đã công bố đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin của nhân dân phản ánh về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Đường dây nóng của Thanh tra Bộ NN-PTNN có hai số điện thoại là 08.042526 hoặc 0917808113. Bên cạnh đó, người dân có thể trực tiếp liên hệ và cung cấp thông tin cho Thanh tra Bộ NN-PTNT tại địa chỉ tầng 3, nhà B6 và số 2 Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài giữ bí mật danh tính người cung cấp thông tin, Bộ NN-PTNT sẽ xem xét thưởng cho cá nhân và tổ chức khi cung cấp thông tin chính xác phục vụ cho quá trình thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Báo Đầu tư đưa tin, vấn đề an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay. Phát biểu trước Quốc hội đầu tuần này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Con đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn thế”.

Chia sẻ về vấn đề này trước Quốc hội trong phiên chất vấn hôm qua (17/11), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trước hết tôi hết sức chia sẻ với bức xúc mà các đại biểu đã thể hiện. Bản thân tôi cũng nhận thức rất rõ yêu cầu và mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Theo số liệu mà Bộ NN&PTNT cung cấp, 9 tháng đầu năm nay, 1% lượng thuỷ sản, 10% lượng rau, 7,6% lượng thịt có dư lượng vượt mức cho phép.

“Vấn đề là nhân dân không phân biệt được ở đâu là thực phẩm an toàn và ở chỗ nào không an toàn nên có cảm giác là hầu hết không an toàn. Tuy nhiên, rõ ràng con số chúng tôi nêu ra trong giám sát là còn cao. Cho nên, phải làm quyết liệt để giảm và giúp cho người dân phân biệt đâu là thực phẩm an toàn và ở đâu không an toàn”, ông Phát nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng giải thích: Nguyên nhân chính của việc an toàn thực phẩm chậm chuyển biến không phải là do không quyết tâm. “Chính phủ và các bộ đều chỉ đạo quyết liệt; cơ sở pháp lý hiện đã có nhiều luật, nghị định và rất nhiều thông tư được ban hành… nhưng việc triển khai, hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vật tư, nông nghiệp chưa thực sự sâu rộng để tạo sự chuyển biến.

Sản xuất nông lâm thuỷ sản có hàng triệu hộ, riêng lĩnh vực thuốc BVTV có 103 doanh nghiệp sản xuất hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ, cần phải giám sát chặt các cơ sở này để thực hiện tốt vấn đề quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Được biết, Bộ NN&PTNT đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức; Xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; Hỗ trợ nhân dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp; Kiểm tra giám sát xử lý vi phạm; Tăng cường năng lực của hệ thống thực hiện nhiệm vụ được giao trước mắt và lâu dài.

Theo Bộ trưởng, các giải pháp trên đã được thực hiện ở nhiều năm và có tác động tích cực nhưng cũng mới ở mức độ kiềm chế.

Tuy nhiên cũng có nhiều mặt xấu đi và chưa bền vững. Gần đây, một số mặt xấu đi như vấn đề sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi mà ngành chức năng đã thông tin cho các cơ quan báo chí đăng tải trong liên tục trong thời gian qua.

Chất vàng ô được một số doanh nghiệp trộn vào thức ăn chăn nuôi

Chất cấm trong chăn nuôi có nguồn gốc Trung Quốc

Theo Zing.vn trước đó, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN-PTTN cho biết, khi thanh tra đột xuất, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt doanh nghiệp dùng chất độc, gây ung thư trộn vào thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có mẫu vượt 75 lần tiêu chuẩn cho phép. Trên bao bì các thùng có nhãn bằng tiếng Anh, ghi xuất xứ từ Trung Quốc. ​

Đặc biệt, đoàn thanh tra đã phát hiện 11 thùng chứa chất vàng ô và chất tạo màu cho công nghiệp nhuộm màu giấy trong kho chứa hàng của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Nhật (Hưng Yên).

"Chất này có tác dụng tạo màu vàng cho cám, đánh lừa người dùng lựa chọn khi cho rằng thức ăn có nhiều ngô. Khi cho gà ăn, nó sẽ giúp da gà có màu vàng đẹp mắt", ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 12/11, Công ty TNHH TACN Trường Phú (trú tại Nguyễn Lương Bằng, Hải Dương) cũng bị phát hiện sử dụng chất vàng ô vào thức ăn chăn nuôi. Qua quá trình điều tra, công ty này đã sử dụng chất vàng ô trộn vào thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 200 g/tấn.

Ngoài vàng ô, công ty trên còn sử dụng chất Auramine - chất tạo màu công nghiệp được các nước ở châu Âu cấm sử dụng vào công nghệ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Lãnh đạo công ty đã khai nhận mua chất trên ở phố Hàng Buồm (Hà Nội). Sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Công ty Trường Phú hiện được tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên.

Theo quy định tại Thông tư mới nhất vừa được ban hành trong ngày 16/11 của Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp trên sẽ bị xử phạt 280 triệu đồng, đình chỉ sản xuất 1 tháng.

Bên cạnh đó, trong lần thanh tra gần đây, Bộ phát hiện 7 doanh nghiệp sử dụng chất cấm và chất vàng ô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Riêng khu vực phía Bắc có 3 doanh nghiệp vi phạm là Công ty Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vinmark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương). Mỗi đơn vị trên đã bị xử phạt từ 120 đến 170 triệu đồng. 

Ngày 16/11, Bộ NN&PTNT ban thành Thông tư Danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

Theo đó, Thông tư này bổ sung thêm 5 loại chất cấm mới có tên là vàng ô gồm: Vat Yellow 1, Vat Yellow 2, Vat Yellow 3, Vat Yellow 4, Auramine và các dẫn xuất của Auramine. Được biết, đây là nguyên liệu làm ve quét tường trong xây dựng, hay sử dụng để nhuộm màu vải trông công nghệ nhuộm. 

Thịt gia cầm có tồn dư các chất trên theo phân tích khoa học có thể gây ung thư.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam