Đáng chú ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng âm nặng.
Lãi giảm 26% trong quý II/2021
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2021, Công ty cổ phần Nam Việt (HOSE: ANV) ghi nhận doanh thu quý 2 đi ngược lợi nhuận do chi phí vận chuyển và cước tàu tăng cao.
Cụ thể, riêng quý II/2021, ANV ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.074 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 23,7 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận tại ANV giảm do các khoản chi phí trong kỳ tăng mạnh như chi phí bán hàng ghi nhận hơn 86 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ chủ yếu do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng. Chi phí tài chính cũng tăng 42%, ghi nhận hơn 31 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí lãi vay tăng mạnh 75% lên mức gần 29 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tại ANV tăng 5%, lên hơn 1.780 tỷ đồng. Giá vốn chỉ nhích nhẹ không đáng kể giúp biên lãi gộp cải thiện từ 12,5% lên 15.8%. Sau khi trừ đi loạt chi phí, lãi ròng của ANV ghi nhận gần 88 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Được biết, năm 2021, ANV đặt kế hoạch tổng doanh thu là 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 450 tỷ đồng. Như vậy, với lợi nhuận trước thuế đạt 98,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới hoàn thành được 22% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ghi nhận từ đầu năm 2021, giá cước tàu, phí vận chuyển đã bật tăng mạnh bằng lần, và tiếp tục dự báo tăng cao thời gian tới. Các nguyên nhân khiến giá cước tăng phi mã do nhu cầu tăng vọt, tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng, thiếu tàu cũng như thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng.
Gần đây, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại một số trung tâm xuất khẩu của châu Á như ở một số cảng của Trung Quốc khiến tình hình càng tồi tệ hơn, đặc biệt các chặng đường dài bị ảnh hưởng nặng nề tiếp tục khiến đẩy giá cước lên cao. Hệ quả, mọi tuyến đường đều phải chịu sức ép lớn.
Tại Việt Nam, giá cước tăng tạo áp lực lên các doanh nghiệp xuất từ đầu năm. Chưa kể trong những năm gần đây, giá cước tàu biển ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines...
Dòng tiền kinh doanh âm nặng
Ngoài kết quả kinh doanh kém lạc quan, dòng tiền tại ANV cũng biến động lớn.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm tới 70,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 5,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 296,6 tỷ đồng, để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh và phục vụ đầu tư, doanh nghiệp đã huy động dòng tiền tài chính dương 352,8 tỷ đồng, chủ yếu là tăng vay nợ.
Dòng tiền âm do nhiều yếu tố gây nên
Đơn cử, tại thời điểm 30/6/2021 tổng tài sản của ANV tăng 4% so với đầu năm lên 5.043,7 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng nhẹ ghi nhận hơn 1.915 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 1.049 tỷ đồng, tăng hơn 46 tỷ đồng.
Nợ phải trả của ANV tính đến cuối tháng 6/2021 ghi nhận hơn 2.622 tỷ đồng, chiếm tới 52% tổng tài sản. Nợ phải trả tăng nhẹ so với đầu năm chủ yếu do tăng nợ vay ngắn hạn. Đáng chú ý là khoản vay ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT ANV gần 327 tỷ đồng, gấp 3,4 lần đầu năm. Đây là khoản vay không có tài sản đảm bảo để bổ sung vốn lưu động, thời hạn vay là 12 tháng.
Ngoài ra, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 21% so với đầu năm, ghi nhận gần 2.229 tỷ đồng và chiếm 44,2% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/7, cổ phiếu ANV giao dịch ở mức 27.050 đồng/cổ phiếu, tăng 5,7% so với phiên giao dịch trước đó.
Nguồn: https://congluan.vn/thuy-san-nam-viet-anv-lai-quy-2-giam-26-dong-tien-kinh-doanh-am-nang-post146115.html