Dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Pháp… Chính sách cách ly người dân và giao thông ngưng trệ cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến thị trường thủy sản biến động mạnh, giá hầu hết các loại sụt giảm. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, tình hình xuất khẩu thủy sản đã tăng trở lại.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau sự sụt giảm liên tục trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 3.
Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, chỉ riêng trong tháng 3 Việt Nam đã xuất khẩu được gần 31 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 lên hơn 63 triệu USD, tăng 2,1%.
VASEP cho biết, đầu tháng 3/2021, xuất khẩu cá tra đã dần hồi phục trở lại khi đạt 137 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 lên 336 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra đạt 142 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng 3/2020 và tăng 3,6% so với tháng 3/2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 16%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 10,3%; Brazil tăng 17%; Colombia tăng 33,4%; Mexico tăng 22,7%; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 35% và Nga có mức tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 104%.
Như vậy, sau nhiều năm xuất khẩu cá tra sang thị trường này gián đoạn thì bước sang đầu năm nay đã có nhiều tích cực.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng cá tra thu hoạch quý I/2021 ước đạt 321,8 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 47% sản lượng cá nuôi trồng và chiếm 34,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.
Mới đây, Công ty Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh tháng 4/2021 với tổng doanh thu tăng 61% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cá tra tăng 54% so với cùng kỳ lên 529 tỷ, doanh thu sản phẩm phụ và giá trị gia tăng nhảy vọt.
Xét doanh thu theo thị trường, khu vực châu Âu tăng 3%, Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh với tốc độ 246%, thị trường Mỹ tăng 130% và khu vực khác tăng 12%.
Theo Công ty Vĩnh Hoàn, doanh thu kỳ này sự cải thiện hơn so với cùng kỳ do tháng 4/2020 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mạnh mẽ trên thế giới và nhiều quốc gia đã phải áp dụng lệnh đóng cửa nghiêm ngặt.
Nhìn lại năm 2020, nhu cầu trên thế giới giảm đáng kể vì Covid-19 khiến giá thủy sản rơi xuống các mức thấp mới. Giá tôm nguyên liệu trong nước chạm mức đáy 82.500 đồng/kg trong tháng 10 (-12% so với cùng kỳ và -14% so với đầu năm) trong khi giá cá nguyên liệu trong nước giảm xuống còn 17.750 đồng/kg (-14% so với cùng kỳ và -10% so với đầu năm).
Tổng giá trị xuất khẩu của các công ty thủy sản Việt Nam trong 11 tháng 2020 đạt 7,7 tỷ USD (-2% so với cùng kỳ). Theo loại sản phẩm, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD (+11% so với cùng kỳ) và giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD (-25% so với cùng kỳ). Mặc dù giá trị xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh, nhưng giá bán bình quân thấp khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty xuất khẩu tôm giảm.
Năm 2021, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016 - 2019 là 6,8%), trong đó, xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng (+15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra (+5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác (+6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI cho rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam. Các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ.
Nguồn: https://congluan.vn/xuat-khau-thuy-san-tang-tro-lai-sau-giai-doan-giam-do-covid-19-post134811.html