Dịch vụ tiêm filler làm đẹp tràn lan
Với nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của phái nữ, những dịch vụ thẩm mỹ từ đó cũng trở nên đa dạng hơn từ xăm mày, xăm môi, bơm ngực cho tới tiêm giảm mỡ, tiêm filler.
Trào lưu tiêm filler làm đẹp đang rộ lên trong thời gian vừa qua, đã có không ít người vì muốn có sống mũi dọc dừa, chân mày lá liễu hay khuôn mặt V-line mà đã liều mình trao tính mạng cho những cơ sở làm đẹp không rõ tên tuổi để rồi nhận những trái đắng khi chịu những biến chứng như hoại tử, hỏng các bộ phận.
Tháng 10 vừa qua, tại TP.HCM, một cơ sở spa làm đẹp đã bị xử phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng vì hoạt động không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động và bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức.
Trước đó, vào tháng 5, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt các cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui", không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.
Vấn đề trở nên nóng bởi nhiều những cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện đã bỏ ngoài tai những cảnh báo và nhắc nhở của cơ quan chức năng, vẫn âm thầm cung cấp dịch vụ tiêm filler làm đẹp cho khách hàng, đặc biệt là các nhân viên spa, người không có chuyên môn cao vẫn được thực hiện các hoạt động này.
Không thể hiện các dịch vụ này trên website nhưng qua kênh Facebook - một kênh được đánh giá là có lượng tương tác cao và lượng người dùng lớn thì các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp vẫn thường xuyên quảng cáo về dịch vụ tiêm filler, khi có người quan tâm, họ sẽ đề nghị xin số điện thoại để tư vấn riêng về gói dịch vụ.
Bên cạnh các cơ sở thẩm mỹ còn có khá nhiều thông tin quảng cáo tiêm filler làm đẹp đến từ các cá nhân qua mạng xã hội facebook. Dù chưa rõ chất lượng thực hư ra sao nhưng với những lời quảng cáo có cánh về hiệu quả tiêm filler làm đẹp thì rất nhiều chị em sẽ khó mà chối từ.
Đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy hàng loạt những vụ việc người dùng dịch vụ “dính đòn” bởi làm đẹp sai cách.
"Lợi bất cập hại" khi tiêm filler làm đẹp
Đề cập về vấn đề tiêm làm đẹp, ông Nguyễn Huy Thọ, nguyên trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt Bệnh viện T.W Quân đội 108 cho hay, trong nhiều năm làm bác sĩ thẩm mỹ, ông không sử dụng biện pháp nội khoa cho dịch vụ thẩm mỹ bởi lý do thấy không an toàn.
"Về nguyên tắc, nếu dùng thuốc bằng đường uống được thì không nên tiêm, mà nếu tiêm thì nên tiêm bắp hơn là tiêm tĩnh mạch. Tôi không sử dụng các phương pháp như tiêm làm liệt cơ để điều trị nếp nhăn, tiêm chất làm đầy hay tiêm giảm béo bởi có thể gây biến chứng", ông Thọ chia sẻ.
Trước rất nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm filler phải nhập viện cấp cứu, TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Việc điều trị cho bệnh nhân này sẽ rất khó khăn vì chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào”.
Khi đó, bệnh nhân cần phải tiêm Hyaluronidase để hóa giải filler giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu, đồng thời sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối và chống phù nề.
Theo TS Phạm Cao Kiêm, các ca tai biến thường do người tiêm filler chọc mũi tiêm vào mạch máu gây tắc mạch, hoặc nếu tiêm quá liều gây chèn mạch máu, dẫn đến hoại tử mô. Và vấn đề đáng lo ngại nhất là những ca tai biến này điều trị kéo dài, khó khăn, dù có cố gắng chữa trị thế nào cũng không thể trả lại khuôn mặt như ban đầu mà sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.
Không chỉ Bệnh viện Da liễu T.W mà nhiều đơn vị khác như khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, BV T.W Quân đội 108 cũng từng cấp cứu và khắc phục sự cố cho nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy.
Được biết, đa phần là các trường hợp bị biến dạng mũi, môi hoại tử, ngực nhiễm trùng hay biến dạng tuyến sữa. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ hoàn toàn phần ngực và tái tạo bộ phận mới.