Thực hiện: Minh Dương
Tìm đến địa chỉ của Mimi Beauty & Clinic tại số 119 phố Nguyễn Khuyến, PV ghi nhận được phía bên ngoài cửa hàng, chỉ đề các quảng cáo về dịch vụ làm nail, uốn mi, chăm sóc da mặt,…
Nếu không tìm hiểu sâu, có lẽ cả khách hàng và chúng tôi đều nhầm tưởng đây chỉ là một spa làm đẹp bình thường với các dịch vụ trên.
Tuy nhiên, phía sâu bên trong Mimi Beauty & Clinic, các dịch vụ ngoài chuyên môn như tiêm filler lại được diễn ra một cách bí mật. Dịch vụ này chỉ được quảng cáo qua trang mạng xã hội Facebook nhưng dưới mỗi bài đăng liên quan đến tiêm filler đều không có địa chỉ, mà thay vào đó là lời khuyến khích khách hàng nhắn tin để được tư vấn kỹ hơn. Còn ở phía ngoài cơ sở này, không hề treo, dán, hay cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến hoạt động đó.
Trong vai là khách hàng có nhu cầu tiêm filler ở vùng mũi, PV được hẹn lịch qua điện thoại. Khi có mặt tại địa điểm của cơ sở, chúng tôi được dẫn vào một căn phòng nhỏ phía bên trong, với 4 chiếc giường được đặt sát nhau. Bày tỏ sự lo ngại bởi cơ sở hạ tầng không đảm bảo an toàn cho khách hàng, PV dò hỏi liệu có phải ca tiêm filler sẽ diễn ra tại đây không thì cô gái được cho là chủ cơ sở trả lời: “Dịch vụ filler sẽ được tiêm tại đây”.
Khi chúng tôi tỏ ý thắc mắc về việc tại sao phía bên ngoài không thấy quảng cáo về filler, sợ rằng sẽ có nhiều người không biết đến thì cô gái này có thái độ lảng tránh sang chuyện khác và không trả lời.
Bên cạnh đó, Mimi Beauty & Clinic còn liên tục đưa ra những gói khuyến mãi, tri ân khách hàng như gói tiêm mũi và cằm có giá 4.500.000 đồng, thái dương 4.000.000 đồng… nhưng điều đặc biệt ở chỗ là không giới hạn số lượng cc mà khách hàng muốn tiêm. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là do chủ cơ sở “chịu chơi” hay chất lượng filler không thật sự tốt?
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội không cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở Mimi Beauty & Clinic tại địa chỉ 119 Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội. Các dịch vụ tiêm filler tại đây đều không được phép.
Theo quy định tại Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Một cơ sở thẩm mỹ thiếu uy tín nếu làm chết người, mặc dù hành vi này không được khép vào tội Giết người nhưng bệnh nhân tử vong do xuất phát từ hành vi nghiệp vụ thì những người trực tiếp tham gia vào công tác hành nghề sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định Điều 128 Bộ luật hình sự 2015. Tội Vô ý làm chết người có khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Nếu phạm tội làm chết 2 người trở lên, mức án tù cao nhất là 10 năm.
Vậy với một cơ sở hoạt động, kinh doanh trá hình chưa được chứng nhận, cấp phép đầy đủ như thế này, liệu có đủ năng lực để “thay đổi” diện mạo cho khách hàng một cách đảm bảo, an toàn? Và nếu có trường hợp xấu xảy ra, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Dẫu biết rằng, dịch vụ tiêm filler không còn quá xa lạ gì với chúng ta nhưng người tiêu dùng cần tìm tới những địa chỉ uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.