Chiều 15/9, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tổ chức tiêu hủy lô sữa hiệu Ensure nhập lậu gồm 43.000 chai trị giá hơn 1,2 tỉ đồng.

Ông Dương Công Khanh, Trưởng phòng quản lý thị trường, Chi cục quản lý thị trường TPHCM cho biết, lô sữa trên là hàng không xác định được chủ sở hữu, do Chi cục bắt giữ từ tháng 2/2015 tại kho 18D Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình. Đây là loại sữa nhập trái phép và mục tiêu sản xuất không phải bán cho thị trường Việt Nam.

Theo Chi cục, giá mỗi lon sữa khoảng 24.000 đồng.

Lô sữa Ensure nhập lậu - Ảnh: Ái Nhân

Lô sữa Ensure nhập lậu - Ảnh: Ái Nhân

Thông tin Chi cục Quản lý thị trường TP HCM vừa tiêu hủy 43 nghìn chai sữa nước hiệu Ensure nhập lậu trị giá hơn 1,2 tỷ đồng khiến nhiều người xót xa. Tại sao không đem tặng lô sữa này cho các đối tượng khó khăn mà lại đem tiêu hủy, đây có phải là một sự lãng phí lớn?

Mang băn khoăn này trao đổi với ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), ông Hùng nhận xét, lô sữa này xuất xứ từ Mỹ, nghĩa là chất lượng sản phẩm đã được thị trường này chấp nhận. Không lẽ, tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam lại cao hơn Mỹ?

“Quan điểm cá nhân tôi, cơ quan chịu trách nhiệm là ngành Y tế, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm có thể giám định, nếu chất lượng tốt thì cho dùng. Hàng nhập lậu, nếu chất lượng tốt, phải đem bán đấu giá. Tiêu hủy lô hàng này là quá phí phạm!”, ông Hùng trả lời trên Báo Giao thông.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khá bức xúc trước quan điểm này. Ông dồn dập đặt câu hỏi: “Tại sao thuốc lá nhập lậu cũng bị tiêu hủy, dù rất nhiều người vẫn phải bỏ tiền mua thuốc lá? 43 nghìn chai sữa này là sản phẩm không được phép lưu hành, không an toàn, có vấn đề về chất lượng ai chịu trách nhiệm? Ai nói cần giám định chất lượng, cho lưu hành, đề nghị gửi công văn sang đây…”.

Theo phân tích của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Quản lý thị trường TP HCM đã thực hiện đúng trách nhiệm trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành khi tiêu hủy lô sữa nói trên. Song quyết định tiêu hủy có vẻ như chưa hết trách nhiệm với người tiêu dùng, cũng như với xã hội.

Bởi ngay cả trong trường hợp nghi ngờ tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm hoàn toàn có điều kiện, khả năng để giám định chất lượng lô sữa này. Trên cơ sở đó đề xuất cách thức xử lý phù hợp, như bán đấu giá hay tặng làm từ thiện.

Chắc chắn trong tương lai sẽ còn có những tình huống tương tự. Để không phải chứng kiến những khối hàng giá trị lớn còn hạn sử dụng như sữa, thực phẩm bị tiêu hủy, rất cần cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất một cơ chế xử lý hợp lý, chặt chẽ. Nếu xác định được nguồn gốc và chất lượng đảm bảo thì không nên tiêu hủy.  

Trên thực tế, bên cạnh lô hàng 43 nghìn chai sữa bị bắt giữ, tiêu hủy kể trên, thị trường Việt Nam vẫn tiêu thụ không ít sản phẩm tương tự được “maketing truyền miệng” là “hàng xách tay”. Bất kể khuyến cáo “không dùng cho thị trường Việt Nam” in ngay trên vỏ chai./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online