Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thị trường bán sách truyền thống đang sụt giảm nghiêm trọng. Đối lập với mảng tối này, sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách trực tuyến là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động xuất bản khi nhiều độc giả tìm đến hình thức mua sách qua mạng.

Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online

Mua sách online đang trở thành xu hướng ưa chuộng của nhiều bạn trẻ, nhất là trong giai đoạn phải hạn chế ra đường vì dịch bệnh. Đỗ Quỳnh Anh (26 tuổi, Hà Nội), là một nhân viên văn phòng có niềm đam mê với sách từ nhỏ. Từ khi công ty cho làm việc tại nhà, cứ rảnh rỗi là Quỳnh Anh lại lên Tiki - trang web thương mại điện tử, để tìm mua cho mình những quyển sách yêu thích.

Quỳnh Anh cho biết: "Từ đầu mùa dịch tới giờ, tôi đã mua gần chục đầu sách. Giá sách trên các web bán online hiện nay đang được giảm 30-40% với rất nhiều thể loại phong phú. Chỉ với cú click chuột mua hàng, 2 giờ sau tôi đã được câm trên tay cuốn sách yêu thích, vừa tiết kiệm thời gian, công sức ra ngoài vừa hạn chế lây lan dịch bệnh."

Top những đầu sách bán chạy trên trang thương mại điện tử Tiki.

Có thể thấy, việc mua sách trực tuyến đã trở thành lựa chọn tối ưu nhất cho nhiều người trong thời gian cách ly xã hội như hiện nay. Ngoài Tiki, hiện nay hầu hết các trang thương mại điện tử đều bán sách, từ Sendo, Shopee, Lazada... đến các nhà sách trực tuyến có tên tuổi như Fahasa, Vinabook, Anybooks.

Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay, trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, 2 loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2.7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần). 

Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng người dùng truy cập vượt trên 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể.

Số thư viện mua tài khoản cũng liên tục tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua các câu lạc bộ người hâm mộ cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.

Những thời cơ mới cho hoạt động xuất bản

Nhìn từ dịch Covid 19, bên cạnh những tác động tiêu cực là những thời cơ mới cho hoạt động xuất bản nếu biết tận dụng.

Khi thị trường và phương thức kinh doanh truyền thống gặp nhiêu khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường và phương thức kinh doanh mới. Một số doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến phát hành online, giờ buộc phải phát triển mạng lưới bán hàng online nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường như Fahasa, Phương Nam, Thái Hà book...

Một số doanh nghiệp khác tuy đã chú ý đến phát hành sách online nhưng còn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác nay nhận thấy sẽ phải chủ động hơn nữa trong xây dựng kênh bán sách online của riêng mình, phát triển mảng sách điện tử, từ đó làm phong phú thị trường sách, hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tính liên kết trong hệ thống theo đó sẽ chặt chẽ hơn, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - Nguyễn Nguyên nhận định: Việc giảm nhịp điệu sống qua việc giảm giao thương và các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời; hạn chế việc đi lại, tăng thời gian ở nhà của một bộ phận lớn người dân đã khiến cho cơ hội để họ tiếp cận sách tăng, tái sinh môi trường đọc và nâng cao văn hoá đọc.

Đây chính là thời cơ hiếm có để tận dụng, xây dựng thói quen đọc sách, nhân tố quan trọng nhất để phát triển văn hóa đọc. Thực tế, dù số lượng sách bán giảm nhưng một số mảng sách hay, nhiều giá trị, kén độc giả đã bán chạy hơn, với đối tượng đọc đa dạng hơn như các tác phẩm văn học kinh điển, sách nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, văn hóa...

Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác, trên một phương diện nhất định, những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại như một thử thách để qua đó sàng lọc, loại bỏ những đơn vị kém năng lực, thiếu tầm nhìn, thiếu khả năng thích nghi, từ đó quy hoạch một cách tự nhiên toàn bộ hệ thống, làm cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Theo Lao động Thủ đô