Thật lòng, không ai muốn nhìn thấy một công trình đầu tư hiếm hoi trong lĩnh vực vui chơi giải trí ở Hà Nội trị giá đến 200 tỷ đồng trở thành một đống đổ nát. Suy cho cùng, đây cũng là một phần tài sản của dân, của nước, của chúng ta. Thật xót xa và đặt câu hỏi: Liệu đó đã phải là biện pháp ít xấu nhất chưa?

UBND quận Hà Đông đã có văn bản trả lời Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 về việc tháo dỡ công trình Công viên nước Thanh Hà, và khẳng định rằng, việc xử lý toàn bộ các hạng mục công trình vi phạm tại đây là đúng quy định của pháp luật.

Liệu có “đúng quy định” thật không mà khi nhìn cảnh hoang tàn, đổ nát ấy, ai ai cũng không tránh khỏi tiếng thở dài rằng, sao ai tàn nhẫn, vô cảm đến thế!

Công viên nước Thanh Hà trước khi bị tháo dỡ...
Giờ chỉ còn là một đống đổ nát... (Ảnh: Zing.vn)

Đành rằng đây là một công trình xây dựng trái phép. Đành rằng thành phố đang siết lại kỷ cương trong trật tự xây dựng đô thị. Đành rằng đã nhiều lần, chủ đầu tư được cơ quan chức năng nhắc nhở và phạt hành chính. Đành rằng trong quan hệ giữa địa phương và chủ đầu tư không phải lúc nào cũng thuận chèo mát mái... Thế nhưng, nhiều người nhìn thấy một đống tài sản đổ nát ấy mà vẫn "nát lòng".

Hàng loạt vấn đề được đặt ra: Một công trình mà phần lớn là thiết bị vui chơi giải trí được lắp đặt trên mặt đất kia thì nên tháo dỡ, hay phá dỡ, hay phá hủy? Một lệnh cưỡng chế kia có bao gồm những giá trị nhân đạo mà pháp luật Việt Nam xưa nay vốn rất tôn trọng?

Khung cảnh hoang tàn tại Công viên nước Thanh Hà sau khi tháo dỡ. (Ảnh: Internet)

Nhiều nhà phân tích đã cho thấy, khi xây dựng Bộ luật Hình sự, một bộ luật có tính nghiêm khắc cao nhất trong những bộ luật, các nhà làm luật luôn luôn đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Chẳng hạn, trong hệ thống hình phạt, các hình phạt chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định, từ hình phạt nhẹ đến hình phạt nặng, từ hình phạt ít nghiêm khắc đến hình phạt nghiêm khắc nhất. Mặt khác, trong các hình phạt khác nhau có nhiều hình phạt không tước tự do, điều đó thể hiện được tinh thần trong đường lối xử lý của Nhà nước ta là đi từ cải tạo, giáo dục sau đó mới tới trừng trị đối với người phạm tội.

Vì thế, về bản chất, hình phạt không phải là sự trả thù của Nhà nước đối với người phạm tội, mà mục đích chính là giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Trở lại việc cưỡng chế của chính quyền với Công viên nước Thanh Hà. Quả thực, nó chỉ là ở mức vi phạm hành chính, không gây hại cho ai, không tranh chấp với ai; các thiết bị đó hoàn toàn có thể di chuyển và tiếp tục khai thác tính hữu ích của nó cho xã hội và cho doanh nghiệp, vậy có nên để xảy ra tình trạng như đã xảy ra không?

Theo Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh/Reatimes