Tổ chức EWG Mỹ công bố 12 loại rau quả nhiễm nhiều thuốc trừ sâu nhất năm 2017
EWG (Environmental Working Group: Tổ chức hoạt động vì môi trường) đã phân tích dữ liệu về dư lượng thuốc trừ sâu trên các mặt hàng rau củ quả phổ biến nhất và đưa ra danh sách “Dirty zone”, gồm 12 loại rau và trái cây bị nhiễm thuốc trừ sâu nghiệm trọng nhất.
Nhiều người tiêu dùng Mỹ xem công bố của EWG như là “cẩm nang mua sắm”, giúp họ hạn chế các nguy cơ bệnh tật từ dư lượng thuốc trừ sâu trong nông sản. Các kết quả phân tích này không hẳn có giá trị cho các mặt hàng tại Việt Nam, nhưng nếu đó là nhập khẩu từ Mỹ thì cũng có thể được tham khảo.
Theo đó, trong số 48 loại sản phẩm được khảo sát, có tới 70% có chứa hàm lượng lớn thuốc trừ sâu . Tỷ lệ này có giảm 6,6% so với năm ngoái.
EWG cho biết dâu tây đứng đầu danh sách thực phẩm có nồng độ thuốc trừ sâu cao nhất sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cùng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) kiểm tra 36.000 mẫu sản phẩm.
Các sản phẩm sau khi kiểm tra có kết quả dương tính với thuốc trừ sâu và có nồng độ thuốc trừ sâu cao hơn các sản phẩm khác được đưa vào danh sách “Dirty Zone”.
Những sản phẩm đứng dầu trong danh sách này bắt đầu với dâu tây, rau cải bó xôi, quả xuân đào, táo, đào, cần tây, nho, lê, anh đào, cà chua, ớt chuông ngọt và khoai tây.
Dâu tây vẫn giữ vững ngôi vị quán quân năm nay vì chứa ít nhất 20 loại thuốc trừ sâu. Trong khi đó, rau cải bó xôi nhảy lên vị trí thứ 2 với liều lượng thuốc trừ sâu cao gấp 2 lần các loại cây trồng khác.
Theo EWG, một người Mỹ ăn gần 4 kg dâu tây tươi/năm. Ngay cả khi được rửa sạch tại nơi trồng, sau đó được rửa tiếp trước khi ăn, loại quả này vẫn chứa thuốc trừ sâu.
Năm ngoái, rau cải bó xôi xếp thứ 8 trong danh sách “đen” nhưng giờ đây, người nông dân đã sử dụng bơm thêm các loại thuốc trừ sâu vốn có thể tăng nguy cơ ung thư, gây vô sinh, rối loạn nội tiết tố và các vấn đề về thần kinh.
Các loại rau củ quả chứa ít thuốc trừ sâu nhất, được đưa vào danh sách “Clean Fifteen“. Danh sách của năm 2017 gồm có: ngô ngọt, bơ, dứa, cải bắp, hành tây, đậu Hà Lan đông lạnh, đu đủ, măng tây, xoài, cà tím, dưa mật, kiwi, dưa ruột, súp lơ và bưởi.
Mặc dù Mỹ là nơi có ngành nông nghiệp tân tiến, hiện đại nhất bậc nhất thế giới, nhưng việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các loại thuốc kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi… thực sự đang là một vấn đề khiến các chuyện gia y tế lo lắng.
Riêng lượng thuốc diệt cỏ glyphosate được dùng hàng năm hiện nay đã là khoảng 1 tỷ pound (khoảng 0.45 kg), so với khoảng 11 triệu pound vào năm 1987.
Đây được cho là hệ quả tất yếu từ sức ép tăng sản lượng, và mô hình sản xuất đơn canh/siêu thâm canh đang được áp dụng.
Danh sách 12 loại rau quả nhiễm nhiều thuốc trừ sâu nhất năm 2017
Thuốc trừ sâu là gì?
Thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trong trồng cây để kiểm soát sâu bệnh như côn trùng, loài gặm nhấm, cỏ dại, vi khuẩn, nấm mốc và nấm.
Bên cạnh được sử dụng trong nông nghiệp, thuốc trừ sâu còn được dùng để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng bằng cách xử lý các sinh vật mang bệnh nhiệt đới như muỗi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc trừ sâu rất nguy hiểm với sức khỏe con người. Chúng gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới hệ sinh sản, hệ thống miễn dịch hoặc thần kinh, gây ung thư và dẫn đến các vấn đề khác.
Theo báo cáo, dư lượng thuốc trừ sâu có thể tồn tại trên trái cây và rau quả ngay cả khi chúng được rửa sạch, và trong một số trường hợp dù đã gọt hoặc bóc vỏ.